"Luật Công nghệ cao không phải cây đũa thần"

27/Thg10/2008 13:27:13

Dự thảo Luật Công nghệ cao dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 12/11 tới.  Liệu với những ưu đãi cao nhất như đã nêu trong dự thảo, trong tương lai Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp công nghệ cao, ngành công nghệ cao? Báo BĐVN đã phỏng vấn TS Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Thưa ông, Luật Công nghệ cao ra đời có ý nghĩa như thế nào?

Sự cần thiết của Luật Công nghệ cao đều đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ khẳng định rõ. Khoa học công nghệ là lực lượng sản xuất số một trong sự phát triển. Nghị quyết của Trung ương Đảng cũng khẳng định vai trò của công nghệ cao, trong đó nêu đích danh công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa.

Chúng ta đã có Luật Công nghệ thông tin, Luật Khoa học Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Giao địch điện tử... vậy tại sao phải có Luật Công nghệ cao? Vấn đề là phải tìm được biện pháp, giải pháp tập trung huy động mọi nguồn lực, trong đó có của nhà nước, xã hội, trong và ngoài nước để phát triển công nghệ cao, coi công nghệ cao là hạt nhân của khoa học công nghệ và mọi phát triển khoa học công nghệ phải hướng đến công nghệ cao nhằm mục đích nâng cao thực lực khoa học công nghệ để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng. Luật Công nghệ cao ra đời là nhằm giải quyết vấn đề đó.

Hiện nay, ưu thế về nguồn lao động rẻ ngày càng giảm rõ rệt. Vai trò của công nghệ cao trong nền kinh tế tri thức ai cũng biết là hết sức quan trọng. Song làm thế nào để phát triển công nghệ cao ở nước ta, một đất nước có tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ thấp? Luật Công nghệ cao tất nhiên không phải là cây đũa thần, có thể biến không thành có (công nghệ cao). Nhưng Luật là sự cụ thể hóa các chủ trương, chính sách huy động mọi nguồn lực ở mức cao nhất để phát triển công nghệ cao như miễn thuế, giảm, ân hạn thuế... Luật quy định các cơ chế đặc biệt, không những về thuế, đất đai mà cả cơ chế tài chính ưu đãi đối với các nhà khoa học công nghệ. Đối với đầu tư cho công nghệ cao, thậm chí còn được coi là đầu tư mạo hiểm và đang tính đến cơ chế miễn trừ trách nhiệm hình sự nếu như hoạt động nghiên cứu phát triển đó gặp rủi ro...

Theo ông, vậy thì Việt Nam đã có công nghệ cao hay chưa theo định nghĩa của dự thảo Luật Công nghệ cao?

Công nghệ cao của Việt Nam so với thế giới còn khoảng cách xa. Song chúng ta cũng có một số sản phẩm được xem là công nghệ cao, rất hiếm thôi, trong ngành y dược như sản xuất được loại vắc xin thế giới không có. Rồi cũng có những sản phẩm công nghệ cao ta đã nghiên cứu ra nhưng tính thương mại hóa lại không cao... Nhìn chung, thực sự tiềm lực công nghệ cao của chúng ta còn thấp.

Còn về công nghệ thông tin, đương nhiên được xếp hàng đầu tiên trong danh sách công nghệ cao được ưu tiên phát triển. Luật Công nghệ thông tin cũng đã có nêu những ưu đãi rồi. Chính phủ cũng đã có Chương trình phát triển công nghệ thông tin. Phải nói, công nghệ thông tin phát triển với tốc độ nhanh, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Những điều này đều đã được công nhận.

Cũng xin nhắc rằng không phải cứ công nghệ thông tin là công nghệ cao. Việc lắp ráp máy vi tính giá bán khoảng 6-7 triệu đồng thì làm sao được xem là công nghệ cao? Tương tự với các lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới... chỉ những công nghệ cao trong đó mới được ưu tiên phát triển.

Cong-nghe-cao-2.jpg

Ưu tiên phát triển công nghệ cao là điều không thể chối cãi, nhưng kèm theo nó là mối lo ngại nảy sinh cơ chế "xin - cho", gian lận dán mác công nghệ cao, thưa ông?

Đất nước nào cũng thế, nếu luật tích cực nhưng quá trình thực hiện không tốt thì mặt tích cực của luật không thể phát huy. Bản thân Luật này không thể điều chỉnh hết được mọi hành vi mà còn phụ thuộc vào sự điều hành của Chính phủ.

Quan điểm của các Đại biểu Quốc hội là hết sức ủng hộ dự thảo Luật Công nghệ cao. Điều băn khoăn là trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, làm sao để những nguồn lực ưu tiên cho công nghệ cao được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, đúng mục tiêu. Tất cả những điều này phụ thuộc vào  sự điều hành của Chính phủ.

Thưa ông, trong quy định về doanh nghiệp công nghệ cao có đề ra tiêu chí tổng chi bình quân của doanh nghiệp cho nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam phải đảm bảo ít nhất 1% tổng doanh thu. Mức chi đó liệu có đủ để tạo ra công nghệ cao không, nhất là trong bối cảnh quy mô doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ?

1% đúng là thấp. Lúc đầu có đặt ra  tỷ lệ cao hơn. Nhưng Ban soạn thảo của Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng như thế thì sẽ không có doanh nghiệp công nghệ cao. Đây cũng là một quá trình hoàn thiện dần dần, phải hài hòa với hoàn cảnh chung của đất nước.

Ngoài ra, nghiên cứu và phát triển không có nghĩa chỉ là nghiên cứu sản phẩm mới, công nghệ mới mà có thể là nghiên cứu, cải tiến công nghệ đang được sử dụng để đem lại giá trị gia tăng cao hơn.

Hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, sử dụng nhiều lao động phổ thông, làm những công đoạn đơn giản nhưng sản phẩm của họ lại là sản phẩm công nghệ cao như chip, điện thoại di động, bo mạch... Vậy những doanh nghiệp đó có phải là doanh nghiệp công nghệ cao?

Việc xác định doanh nghiệp công nghệ cao liên quan đến chính sách ưu đãi. Dự thảo Luật đã nêu rất rõ các tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao, trong đó doanh nghiệp đó phải sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Danh mục này do Chính phủ quy định.

Đã có nhiều Chương trình quốc gia cho đến nay chưa về đích. Dự thảo Luật Công nghệ cao tiếp tục đưa ra Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao. Vậy có quan ngại lịch sử lặp lại...?

Nhiều chương trình quốc gia, đề tài, đề án nhà nước hiệu quả còn thấp. Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm từ những sai lầm tồn tại để việc triển khai các chương trình quốc gia từ nguồn chi ngân sách có bước đột phá hiệu quả.

Công tác điều hành của Chính phủ đang được đổi mới, hoàn hiện. Mục tiêu phát triển công nghệ cao đã được khẳng định là mũi nhọn phát triển. Nếu khoa học công nghệ yếu kém khó có thể nói đến độc lập tự chủ; công nghiệp hóa, hiện đại hóa khó lòng thực hiện được. Muốn phát triển bền vững phải dựa vào công nghệ cao. Vấn đề chính là luật pháp và thực thi thế nào? Thứ nhất, ban hành luật khả thi. Thứ hai là Chính phủ điều hành, áp dụng luật và Quốc hội phải giám sát.

Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao là điều kiện cơ bản để góp phần thực hiện tốt lộ trình phát triển công nghệ cao Việt Nam. Nhưng công nghệ cao được ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện phát triển của nước ta nên trước mắt tập trung vào một số lĩnh vực và sẽ bổ sung, thay đổi theo từng giai đoạn phù hợp với sự đổi mới và phát triển của đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Những ưu đãi đối với hoạt động công nghệ cao:

- Huy động mọi nguồn lực đầu tư, áp dụng đồng bộ các chính sách khuyến khích ở mức cao nhất về thuế, đất đai và các cơ chế tài chính khác cho hoạt động công nghệ cao (trích Khoản 1 Điều 4).

- Dành ngân sách nhà nước và cơ chế tài chính đặc biệt để thực hiện những nhiệm vụ, chương trình, dự án về công nghệ cao (trích Khoản 5 Điều 4)

(Nguồn: Dự thảo Luật Công nghệ cao)

Theo Ictnews