Đại học Bách khoa Hà Nội – Cái nôi của Hội Tự động hóa Việt Nam

18/Thg2/2021 11:02:01


Ông Trịnh Đình Đề phát biểu tại Đại hội lần thứ V Hội Tự động hóa Việt Nam (tháng 9/2020) 

Chuyện chuyển từ Lễ kỷ niệm thành lập Bộ môn sang Hội ngành

Ông kể: “Tôi nhớ lại năm 1986 khi Chủ nhiệm Bộ môn Tự động hóa, PGS.TS. Nguyễn Bính ủy nhiệm cho tôi – Phó Chủ nhiệm bộ môn chủ trì việc tiến hành chuẩn bị lễ kỷ niệm 25 năm thành lập bộ môn (20/5/1962) tôi đã nghĩ ngay đây là dịp để tập hợp những người làm việc trong lĩnh vực tự động hóa và liên quan. Tôi đề xuất thay vì tổ chức Lễ kỷ niệm thành lập bộ môn sẽ tổ chức hội ngành Điện khí hóa – Tự động hóa vì khi thành lập bộ môn mang tên Điện khí hóa xí nghiệp công nghiệp, sau này đổi tên thành Tự động hóa xí nghiệp công nghiệp. Tôi cũng đã đề nghị Hiệu trưởng trường là anh Hà Học Trạc trực tiếp ký vào 1.500 giấy mời gửi các cá nhân, các trường và cơ sở sản xuất trong cả nước và được anh ủng hộ mất cả tuần lễ mới xong. Đồng thời cả bộ môn liên hệ với cựu sinh viên, các trường, viện, cơ sở sản xuất để vận động người tham dự và nhất là tham gia các báo cáo khoa học. Mất một năm để tiến hành công việc này.

Ngày 20/5/1987, Hội ngành diễn ra và kéo dài 2 ngày với nhiều báo cáo khoa học trong 3 phân ban có gần 1.000 người từ Nam tới Bắc về dự. Họ là cán bộ giảng dạy chuyên ngành kỹ thuật của các trường đại học, cao đẳng, là kỹ sư, chuyên gia các nhà máy được đào tạo từ các trường đại học trong nước và nước ngoài (hồi đó chủ yếu là các nước Xã hội chủ nghĩa). Các khách mời ở xa đến từ phía Nam như các trường Đại học Bách khoa Sài Gòn, Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức, Thông tin liên lạc Hải Quân, nhà máy Thép Biên Hòa, Liên hiệp Sữa Việt Nam, Liên hiệp dầu thực vật Miền Nam, Dầu khí Việt Xô ở Vũng Tàu. Các trường đại học và công ty ở Đà Nẵng và miền Trung phải đi trước một hai ngày. Một kỷ niệm không quên ngay đêm trước Hội ngành là có một xe khách từ Mỏ Cọc 6 Khu mỏ Quảng Ninh do anh Chín – Kỹ sư trưởng – sinh viên tại chức khóa 6 dẫn đầu về dự hội ngành đến thẳng nhà tôi. Tôi phải gọi anh Đinh Xuân Bái cán bộ ban tổ chức đến và trích một bom bia do nhà máy bia Hà Nội tài trợ để “mạn phép” dùng trước. Hơn 30 người với tâm trạng háo hức về dự hội ngành trò chuyện vui như Tết quên cả mệt nhọc đường dài”.

Chuyện đề xuất thành lập Hội Tự động hóa Việt Nam

“Đúng là cuộc gặp mặt không thể quên. Sự đông đúc và nhiệt tình của người tham dự là cựu sinh viên và những người làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật không phải là cựu sinh viên bách khoa cũng hưởng ứng. Ban tổ chức nảy ra ý tưởng khởi xướng thành lập Hội Tự động hóa Việt Nam. Đề xuất được hội nghị toàn thể nhất trí cao. Ban vận động (BVĐ) được thành lập gồm 5 người và cử anh Nguyễn Văn Thân – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Bộ Giáo dục & Đào tạo làm trưởng ban, tôi làm phó ban kiêm thư ký. Phải nói thêm là anh Thân là bạn học cùng ngành ở Matxcova nên khi tôi đề nghị, anh nhận lời ngay. Vả lại, anh ở cơ quan quản lý cấp Bộ bên ngoài trường để sau này BVĐ hoạt động thuận lợi và khách quan hơn, chí ít cũng là về hình thức”.

Cuộc vận động thành lập Hội kéo dài 7 năm – một kỷ lục về thời gian chưa từng có của các hội là một thử thách tính kiên trì của BVĐ. Ông Trịnh Đình Đề kể: “Có lý do của nó. Ngày ấy thông thường quá trình thành lập một hội, BVĐ chỉ hoạt động kéo dài khoảng 1 năm. Thế nhưng BVĐ này khi đi làm thủ tục thành lập Hội mới vỡ lẽ ra nhiều vấn đề. Trước hết là do chọn tên Hội khi ấy là khó thừa nhận. Thứ hai là Hội ta mang tên hiện đại lại đề xuất quá sớm khi các hội ngành cơ bản khác của các hội chuyên ngành khác chưa thành lập. Theo quy định về thủ tục hồ sơ phải có một trong các bộ quản lý ngành bảo trợ mà tự động hóa là ngành không bộ nào có. Các bộ như Bộ Điện lực, Bộ Cơ khí – Luyện kim thì hội của ngành họ còn chưa thành lập. Họ sợ mất suất khi hội chính ngành do họ quản lý khi thành lập sẽ gặp khó. Cứ loay hoay mãi như thế năm tháng trôi qua mà chẳng được gì một vài thành viên nản chí. Có lần tôi cùng với anh Hồ Khắc Thiệu cán bộ giảng dạy cũ của bộ môn, nay anh đã ngoài 90 rồi, là bạn của anh Phan Thanh Liêm – Bộ trưởng Bộ Cơ khí – Luyện kim đã đến gặp ông Bộ trưởng nhờ Bộ bảo lãnh cho Hội Tự động hóa. Anh Liêm hoan nghênh ngành tự động hóa nhưng từ chối nhận đỡ đầu, anh bảo ngành này Bộ không quản lý, hơn nữa Bộ còn phải đỡ đầu Hội cơ khí, chính ngạch về quản lý, đang chuẩn bị thành lập, vì thế mà BVĐ cũng không gõ cửa Bộ Điện lực. Lại phải đi nơi khác vậy. Tôi có biết anh Vũ Tuân – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (NN & CNTP), gặp anh mấy lần khi tôi chủ trì công việc phục hồi hệ thống tự động cho nhà máy đường Lam Sơn – Thanh Hóa nên lên gặp Bộ xin bảo trợ. Anh Nguyễn Thiện Luân – Thứ trưởng thường trực tiếp tôi. Anh bảo Hội các anh quan trọng lắm nhiều dây chuyền công nghệ và nhà máy sản xuất hiện đại phải cần nó. Ngành NN & CNTP sợ đỡ đầu không xứng tầm. Và sau đó Bộ gửi một công văn lên Liên hiệp hội hoan ngênh sự ra đời của Hội Tự động hóa Việt Nam bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Hội khi thành lập nhưng không dám nhận bảo trợ. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có một công văn với nội dung như trên. Cứ như thế năm tháng trôi đi, mãi cuối cùng được Bộ Công nghiệp nhẹ do anh Đặng Vũ Chư – Bộ trưởng nhận bảo trợ, rồi tiếp theo đó BVĐ còn lo bảo vệ “Luận văn thành lập Hội” trên Chính phủ, cho đến 07/07/1994 mới đươc chuẩn y . Chi tiết về cuộc phiêu lưu của Hội tôi đã viết trong số Tạp chí xuất bản vào dịp Đại hội V –  Hội Tự động hóa Việt Nam năm 2020”.

Với ông, nói về Hội và ngành có lẽ chưa bao giờ hết chuyện. Ông còn nhấn mạnh rằng, rồi ông sẽ kể về Chương trình phát triển Hội, về việc thành lập các hội địa phương và chi hội trực thuộc ở các kỳ tiếp theo.

Hương Duyên (ghi)