Nhớ mãi trong tôi, Người gây dựng VCCA

12/Thg4/2022 09:45:04

Tôi bắt đầu có những lần làm việc với PGS.TSKH. Phạm Thượng Cát từ năm 2005, hơn 1 năm sau khi đến với Tạp chí Tự động hóa ngày nay. Trong đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ của Tạp chí giai đoạn 2005 – 2016 có lẽ tôi là người có nhiều cơ hội làm việc với ông nhất. Cũng vì từ năm 2010, Hội Tự động hóa Việt Nam bắt đầu khởi động việc tổ chức VCCA, mà tôi gần như là cầu nối với ông để thực hiện các bài truyền thông cho sự kiện.

Bức ảnh chụp PGS.TSKH. Phạm Thượng Cát tại phòng làm việc của ông năm 2007 để phục vụ cho một bài phỏng vấn. Ảnh Trà Giang

Những năm trước khi Hội Tự động hóa Việt Nam triển khai VCCA, là một phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Tự động hóa ngày nay, tôi hay đặt bài cho PGS. TSKH. Phạm Thượng Cát viết cộng tác với Tạp chí. Sau đó, cứ mỗi lần có nội dung khoa học nào hay ông lại hay chia sẻ với tôi để có thể viết thành bài truyền thông về khoa học công nghệ. Ông nguyên là Trưởng phòng Công nghệ Tự động hóa – Viện CNTT – Viện hàn lâm KH và CN Việt Nam. Giai đoạn ông vừa hoạt động khoa học, vừa là Tổng biên tập Tạp chí Tin học và Điều khiển học, mặc dù bận nhiều việc chuyên môn nhưng vẫn luôn dành thời gian viết bài đăng trên Tạp chí Tự động hóa ngày nay. Gần như năm nào ông cũng có vài bài đăng trên Tạp chí. Đó là những bài viết định hướng sự phát triển của ngành, bài về nghiên cứu ứng dụng, bài viết về VCCA,….

Tôi còn nhớ ông rất say sưa nói về việc phải nghiên cứu phát triển thiết bị nhúng để góp phần nội địa hoá sản phẩm, đẩy mạnh nền công nghiệp sản xuất trong nước để hạ giá thành sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Hồi đó chính ông cũng tham gia vào đề tài nghiên cứu chế tạo Board điều khiển máy điều hoà nhiệt độ, bộ điều khiển xa hồng ngoại cho máy lạnh bằng công nghệ tạo chip thông minh PsoC, và ông đã rất hồ hởi để giới thiệu về kết quả nghiên cứu ấy với tôi.

Là một người luôn trăn trở với sự phát triển của ngành, PGS. Phạm Thượng Cát chính là một trong những người khởi xướng việc tổ chức một diễn đàn khoa học tầm cỡ cho lĩnh vực Điều khiển và Tự động hóa. Bởi vì đã nhiều năm cộng đồng chuyên ngành không có hội nghị khoa học tầm cỡ nào để trao đổi học thuật, để thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực Điều khiển và Tự động hóa trong nước. Khi đã thống nhất với Hội Tự động hóa Việt Nam về việc tổ chức VCCA, với vai trò là Trưởng ban chương trình hội nghị đầu tiên, ông luôn là người tất bật, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao vạch ra các đường hướng, định hình cho việc tổ chức một hội nghị khoa học tiệm cận với cách thức tổ chức quốc tế đang làm. “Ngay từ phiên họp đầu tiên vào tháng 5/2011, Ban tổ chức hội nghị đã lấy chất lượng khoa học là ưu tiên số 1 và trọng tâm là phục vụ tốt nhất cho các đại biểu tham dự Hội nghị. Ngoài ra Hội nghị còn đặt mục tiêu phấn đấu tiếp cận đến phương thức tổ chức Hội nghị hiện đại như các Hội nghị khoa học khu vực và quốc tế. Chính vì vậy trách nhiệm của Ban chương trình phải làm sao bảo đảm thu nhận được các bài báo khoa học của đông đảo các nhà khoa học, nghiên cứu sinh trên toàn quốc và tổ chức phản biện đánh giá được chất lượng khoa học, các đóng góp mới của từng công trình và lựa chọn được các bài đảm bảo chất lượng vào trong tuyển tập của Hội nghị”. Trích trong bài báo “Bước đột phá của Ban chương trình Hội nghị VCCA-2011” do PGS.TSKH. Phạm Thượng Cát viết đăng trên Tạp chí Tự động hóa ngày nay trong giai đoạn triển khai công tác tổ chức để tuyền thông cho VCCA đầu tiên.

Ngoài các tin, bài phỏng vấn ông mà tôi đã thực hiện để truyền thông cho sự kiện thì chính ông luôn đề xuất và tự viết những bài xung quanh khâu tổ chức, hoạt động của Ban chương trình để thấm thấu vào các nhà khoa học, các trường/viện, các cơ quan quản lý nhà nước về một hoạt động khoa học nổi bật của VAA. Đây luôn là điều ông nỗ lực, để rồi qua 3 lần là Trưởng ban Chương trình, qua nhiều bài báo truyền thông mà giới khoa học đã nhớ đến “thương hiệu” VCCA. Cùng với Ban tổ chức, ông đã cùng với nhiều nhà khoa học khác trong Ban chương trình làm cho VCCA ngày càng lan tỏa trong cộng đồng chuyên ngành, trở thành sự chờ đợi của nhiều nhà khoa học để được tề tựu theo định kỳ 2 năm một lần.

PGS.TSKH. Phạm Thượng Cát phát biểu tại Diễn đàn trao đổi về Điều khiển học và Chương trình nghiên cứu cơ bản (NCCB) của Nhà nước (trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc về Điều khiển và Tự động hóa VCCA 2011) diễn ra ngày 26/11/2011. Ảnh tư liệu

Tôi vẫn còn ấn tượng với ông trong kỳ VCCA đầu tiên diễn ra tại Viện Công nghệ thông tin. Khi đó, các tiểu ban báo cáo khoa học được chia làm nhiều phòng ở các tòa nhà khác nhau trong Viện Hàn lâm, ông với dáng người khỏe khoắn luôn phăm phăm bước trong khuôn viên của viện để đảo qua chỗ này một lúc, chỗ kia một lúc. Cuối hội nghị ông lại tất bật cho công tác tổng kết sự kiện để báo cáo trong phiên bế mạc. Và rồi 2 kỳ VCCA tiếp theo, ông vẫn luôn như vậy.

Bức ảnh đáng quý chúng tôi chụp cùng PGS.TSKH. Phạm Thượng Cát trong giờ phút giải lao tại VCCA 2015 tại Thái Nguyên. Ảnh Như Hoài

Thời gian trôi qua, vậy mà đã hơn 5 năm ông rời xa cộng đồng khoa học ngành Điều khiển và Tự động hóa. Lần cuối cùng tôi được gặp ông là khi cùng một số người ở Hội và Tạp chí đến thăm ông ở nhà riêng tại phố Hàm Long. Tại đây, tôi vẫn nhớ bài học mà ông khuyên mọi người, rằng hãy biết sắp xếp thời gian hợp lý để làm việc và nghỉ ngơi, cố gắng ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc và phải có thời gian luyện tập thể thao. Bởi vì đã có những đêm ông mải làm việc đến gần sáng, có những hôm làm đến quá trưa ra căng tin cơ quan đã không còn bữa rồi phải băng qua đường mua bánh mì ăn tạm.

10 năm có cơ hội làm việc với PGS. Phạm Thượng Cát, đến nay, dáng hình và giọng nói của ông khi còn hăng hái với sự nghiệp khoa học vẫn như in trong tâm trí tôi. Mỗi khi tôi gọi điện hay gõ cửa phòng làm việc của ông. Câu đầu tiên của ông là: “Chào cháu”, rất đầm ấm và niềm nở.

Trà Giang