“Ai sướng nhất, ai khổ nhất khi vào WTO?”

17/Thg6/2006 09:40:23

“Nông dân là người khổ nhất”, ông Bông khẳng định. Theo ông, ngay việc giảm thuế nhập khẩu hàng nông sản theo thoả thuận với Mỹ, trước tiên là thịt bò, thịt heo…, thì sản phẩm trong nước cạnh tranh sẽ rất khó khăn, bởi giá thành chăn nuôi trong nước hiện rất cao.

Không chỉ có nông sản Mỹ, mà một số mặt hàng nông sản chế biến từ nhiều nước khác, nhất là từ Trung Quốc, nông sản nước ta cũng khó “địch” nổi ngay trên sân nhà. Tình trạng nhập lậu quá trầm trọng trong thời gian qua cũng cho thấy điều đó.

Vì vậy, theo ông Bông, để hội nhập WTO một cách hiệu quả, trước hết, Nhà nước cần có ngay chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Hỗ trợ theo lối mới, phù hợp với quy tắc chung của WTO, chứ không phải theo lối trợ cấp, bao cấp như trước đây. Cụ thể, Nhà nước cần chăm lo phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, như đường sá, điện, thuỷ lợi, giống, ứng dụng công nghệ mới, cung cấp thông tin thị trường, phát triển nguồn nhân lực…

Theo nhận xét của ông Bông, thực phẩm Mỹ rất rẻ và chất lượng cao. Vì vậy, không thể không quan ngại tới tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng Việt Nam. “Đã có thực tế là, một số nước trong khu vực sau khi vào WTO, nông nghiệp đã phát triển chậm lại, không tương xứng với tiềm năng, do chưa được Chính phủ quan tâm thích đáng. Đó là bài học mà ngay từ bây giờ, nước ta cần dự phòng trong khi sẽ phải nghiêm chỉnh thực hiện những cam kết với nước ngoài”, ông Bông khuyến cáo.

“Bộ phận thứ hai sẽ lâm vào cảnh khốn khó khi đất nước trở thành thành viên WTO là các doanh nhân nhỏ và vừa”, ông Bông nhận định. Hơn 200.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không dễ đứng vững bên cạnh những “đại gia” nước ngoài, nếu không nhạy bén thích ứng với thị trường.

Với vốn liếng nhỏ bé, công nghệ lạc hậu, hiểu biết về luật pháp và tình hình thị trường quốc tế còn rất “lơ mơ”, trước sức ép cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ dễ bị “xoá sổ”, làm gia tăng số lao động thất nghiệp. Tình hình này không chỉ xảy ra đối với doanh nghiệp tư nhân, mà cả với doanh nghiệp nhà nước, bởi chế độ bao cấp trực tiếp của Nhà nước sẽ không còn.

Vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, việc đào tạo đội ngũ doanh nhân, lao động lành nghề, đáp ứng được các đòi hỏi của công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế cần được đặt lên hàng đầu, đi đôi với việc phát triển hạ tầng cơ sở và các dịch vụ thông tin, tư vấn kinh tế, kỹ thuật, luật pháp, kế toán, ngoại ngữ… cho tất cả doanh nghiệp.

“Không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia nước ngoài đã khuyến cáo Việt Nam cần đổi mới, cần cách tân mạnh mẽ nền giáo dục và đào tạo khi đặt chân vào WTO”, ông Bông nói. “Thật sai lầm khi nhiều người cho rằng, giáo dục - đào tạo là một lĩnh vực văn hoá, không gắn bó mật thiết với sản xuất, kinh doanh. Giáo dục – đào tạo là chìa khóa để chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế một cách hiệu quả. Đó là kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc…”.

Ông Bông cho rằng, thiếu kiến thức, thiếu người có năng lực quản trị kinh doanh trong từng ngành nghề, trong từng đơn vị, doanh nghiệp là thiếu tất cả. Đây là lĩnh vực đòi hỏi sự hỗ trợ cao độ (phù hợp với quy chế WTO) của Nhà nước đối với các doanh nghiệp và người lao động, nhất là nông dân, công nhân trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

“Thế còn cái sướng khi vào WTO là gì? Đó là văn minh, bởi quy tắc WTO, một thành tựu chung của nhân loại, nó đòi hỏi sự công khai, minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ được mở rộng chưa từng thấy, hàng hoá của Việt Nam được cạnh tranh ngang hàng với hàng hoá các nước, nhưng ngược lại, thị trường Việt Nam cũng mở cửa tương ứng cho hàng hoá của các nước thành viên.

Người tiêu dùng Việt Nam sẽ được dùng hàng nước ngoài với giá rẻ hơn nhiều so với hiện nay. Tuy nhiên, những người được hưởng lợi nhất, sướng nhất vẫn thuộc tầng lớp trung lưu trở lên”, ông Bông nói.

Theo vị nguyên Phó chủ tịch VCCI, hội nhập WTO, mọi hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước sẽ tiến tới công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ và văn minh hơn. Đó là cái lợi lớn nhất, mà ở thời điểm này chưa thể cân đong, đo đếm đầy đủ.

“Gia nhập WTO, Việt Nam như con tàu ra đại dương, rất có thể sẽ gặp bão, nhưng điều cốt tử là con tàu cùng với những người trên tàu cần được trang bị mọi thứ cần thiết để vượt qua giông tố”, ông Bông nói.