10 năm nhìn lại: vị thế của VCCA và định hướng trong chặng đường tiếp theo

07/Thg4/2022 10:32:02

Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về Điều khiển và Tự động hóa (VCCA) được tổ chức tại Hà Nội tháng 11 năm 2011. Đây là một dấu mốc mới kể từ khi Hội nghị Tự động hóa Toàn quốc (VICA) hoàn thành sứ mệnh của mình với VICA6 vào tháng 4 năm 2005. Việc tiếp nối truyền thống dễ thấy nhất được thể hiện ở danh sách các thành viên Ban Chương trình gồm 48 nhà khoa học trong VCCA đầu tiên, năm 2011. Các nhà khoa học trong cả nước đã tham gia vào quá trình phản biện để chọn ra những công trình xứng đáng được trình bày tại Hội nghị.

Thứ tự từ trái vào: các nhà khoa học đến từ Thụy Sĩ (thứ 2), Nhật Bản (thứ 3), Hàn Quốc (thứ 4) chụp ảnh cùng Ban tổ chức VCCA 2019. Ảnh Trà Giang

VCCA: tiếp nối truyền thống và phát triển

Tiếp nối truyền thống của VICA, nhưng VCCA đã có những thay đổi mang tính nền tảng. Đó là: Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) là đơn vị tổ chức, phối hợp với các đơn vị sở tại đăng cai khi VCCA được đưa đến các vùng miền trong cả nước; VCCA được tổ chức trên nguyên tắc tự chủ về tài chính thông qua các nguồn thu từ phí hội nghị của các tác giả, đóng góp của đơn vị đăng cai, tài trợ từ công nghiệp, và tài trợ của Nhà nước (ở mức tối thiểu) thông qua quỹ NAFOSTED. Đây là nguyên tắc vận hành thông thường của các hội nghị khoa học quốc tế; việc quản lý và phản biện các bài báo khoa học được tiến hành thông qua phần mềm EasyChair đã giúp cho công việc lớn nhất này của hội nghị được tiến hành thuận lợi, chính xác hơn và khoa học hơn nhiều so với trước kia. Đây cũng là phần mềm được lựa chọn sử dụng tại rất nhiều hội nghị quốc tế.

Trong giai đoạn 10 năm tổ chức sự kiện, số lượng các bài báo được gửi về EasyChair dao động từ 150 đến hơn 200 bài từ khắp các trường, viện nghiên cứu trong cả nước. Mỗi bài báo được phân tới 2 thành viên Ban chương trình để phản biện. Dựa trên kết quả tổng hợp, khoảng 70% – 80% số bài báo được chọn để trình bày tại hội nghị. Đây là một tỷ lệ khá phổ biến ở các hội nghị quốc tế.

Vai trò của các Trưởng ban Chương trình đặc biệt quan trọng. Trong đó, PGS. TSKH. Phạm Thượng Cát là người đảm nhiệm trong 3 kỳ đầu tiên đã gây dựng được nền móng cho VCCA ở các kỳ tiếp theo. Nhiều hoạt động khác đã được đề xuất và duy trì cho đến nay. Đó là trao giải cho 03 Bài báo tốt nhất (Best Paper) trong Hội nghị khoa học. Tại VCCA 2019, Ban tổ chức đã xuất bản được bộ Tuyển tập Chuyên san Đo lường, Điều khiển và Tự động hóa với 03 tập (dày hơn 1000 trang), là nơi tập hợp các công trình khoa học đã được công bố trên Chuyên san Đo lường, Điều khiển và Tự động hóa của Tạp chí Tự động hóa ngày nay trong giai đoạn từ năm 2004 – 2018, trong đó có những bài báo được chọn đăng từ các kỳ VCCA.

Ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn danh nghiệp tại VCCA 2015. Ảnh Như Hoài

Kể từ VCCA lần thứ 3 tại Đại học Thái Nguyên năm 2015, một hoạt động lớn song song với Hội nghị khoa học đã được khởi xướng, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp qua các tham luận về các ứng dụng, các giải pháp kỹ thuật. Đó là Diễn đàn Doanh nghiệp. VCCA 2015 cũng có điểm nhấn với Special Session (phiên): ngoài 21 tiểu ban chuyên đề truyền thống của Hội nghị, một phiên đặc biệt về chủ đề Điều khiển ô tô điện, bao gồm 6 bài báo đã được trình bày tại đây. Kể từ VCCA 2019, số lượng Báo cáo mời quốc tế (Keynote) đã được tăng lên với 3 nhà khoa học đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Thụy sĩ. VCCA lần thứ 6 sẽ đón tiếp 2 Keynote từ Canada và Nhật Bản.

Một sự trưởng thành khác trong Hội nghị khoa học là Tutorial: VCCA 2021 sẽ có thêm một phân ban gồm 2 tutorials. Đây là các báo cáo chuyên đề chuyên sâu của các nhà khoa học đã có nhiều kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu trong chủ đề lựa chọn. Tutorials đặc biệt hữu ích đối với các nhà khoa học trẻ, các học viên cao học, nghiên cứu sinh, khi được nghe một vấn đề trọn vẹn, từ lý thuyết đến ứng dụng, để có thể áp dụng trong công việc nghiên cứu của mình.

VCCA: Hội nghị quan trọng nhất trong cộng đồng Tự động hóa tại Việt Nam

Trên khía cạnh khoa học, với chất lượng, tính nghiêm túc và chuyên nghiệp, VCCA thực sự đã trở thành một diễn đàn khoa học quốc gia lớn nhất về Tự động hóa và các công nghệ có liên quan. VCCA được sự quan tâm của các thầy cô, các nhà khoa học, các học viên cao học, nghiên cứu sinh tại các trường đại học, viện nghiên cứu. Các bài báo được trình bày tại hội nghị được đưa vào Kỷ yếu nằm trong danh mục các ấn phẩm uy tín được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận. VCCA được sự quan tâm của lãnh đạo các trường đại học, được sự ủng hộ của các bộ, ban, ngành và sự nghi nhận của xã hội.

Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, sự hội nhập quốc tế nhanh chóng, hiện nay có rất nhiều hội nghị khoa học và các seminar chuyên môn được tổ chức tại Việt Nam về các lĩnh vực khá gần với VCCA. Có thể kể đến 3 loại hình cơ bản:

  • Hội nghị quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Đây là các hội nghị lớn có tính chuyên môn và chuyên nghiệp cao, phí hội nghị rất cao, số lượng các tác giả Việt Nam rất khiêm tốn. Ví dụ International Conference on Sustainable Energy Technologies – ICSET’2016, IEEE Vehicle Power and Propulsion Conference – VPPC’2019,…
  • Hội nghị quốc tế do Việt Nam khởi xướng và diễn ra tại Việt Nam, hoặc quay vòng các nơi: IEEE-ICCE (International conference on Communications and Electronics), IEEE-ICCAIS (International Conference on Control, Automation and Information Sciences),…
  • Các hội nghị khu vực: AUN/SEED-Net Regional conference on Electrical and Electronic Engineering (RCEEE),…

Đây là các hội nghị có chất lượng và uy tín với các mức độ khác nhau. Điểm chung là ngôn ngữ sử dụng hoàn toàn là tiếng Anh. Trừ IEEE-ICCE, còn các hội nghị khác không phải là các sự kiện thường xuyên tại Việt Nam. Do vậy, có thể nói VCCA vẫn là một diễn đàn khoa học thường xuyên (2 năm 1 lần) quan trọng nhất trong cộng đồng Tự động hóa tại Việt Nam.

Đề xuất định hướng cho VCCA chặng đường tiếp theo

Tham dự tất cả các kỳ của Hội nghị VCCA với cương vị là tác giả/đồng tác giả các bài báo và tham gia trực tiếp vào việc tổ chức Hội nghị từ VPPC 2013 đến nay, tôi đã chứng kiến sự phát triển và hoàn thiện của VCCA. Tuy nhiên, Hội Tự động hóa Việt Nam cũng thấy còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao chất lượng và phát triển VCCA, để đưa VCCA hội nhập tốt hơn nữa, hướng tới trở thành một Hội nghị quốc tế.

Tiếp thu những ý kiến từ các đồng nghiệp, cũng như từ những trải nghiệm bản thân, tôi thấy chúng ta có thể thực hiện một số điểm trước mắt sau đây.

  • Cần cập nhật các thành viên của Ban chương trình. Các thành viên đã có những đóng góp quan trọng trong các kỳ VCCA đầu tiên, tạo nên sự “tiếp nối truyền thống” như đã viết ở trên. Tuy nhiên, hiện nay nhiều thầy cô, nhà khoa học đã nghỉ hưu, hoặc không trực tiếp làm công tác chuyên môn nữa, dẫn đến những hạn chế trong hoạt động và chất lượng của các nhận xét phản biện. Rất nên bổ sung các cán bộ trẻ đầy năng lực và nhiệt huyết, kể cả các nhà khoa học người Việt đang làm việc ở nước ngoài.
  • Đề xuất về cải cách tổ chức. Hiện nay Ban chương trình thực ra là danh sách các phản biện. Ban chương trình không cần nhiều thành viên như vậy mà chỉ cần tối đa từ 7 – 10 người. Các phản biện tiềm năng không cần nằm trong Ban chương trình.
  • Tận dụng trí tuệ mà khả năng của các cán bộ trẻ đã du học trở về, có nhiều trải nghiệm với các hội nghị quốc tế, vào các phân ban khác nhau của Ban tổ chức hội nghị.
  • Đặt lộ trình chuyển dần sang tiếng Anh. Trong lộ trình đầu tiên, có thể có từ 1 đến 2 phân ban hoàn toàn bằng tiếng Anh, và tăng dần lên từng kỳ. Khuyến khích các tác giả viết bài bằng tiếng Anh.
  • Khi số lượng các bài tiếng Anh đã nhiều lên, có thể mời đội ngũ quốc tế vào Ban chương trình, từ Hàn Quốc, Nhật Bản,…
  • Hiện nay khâu phản biện đã được chuẩn hóa thông qua phần mền EasyChair, nhưng cần quốc tế hóa hơn nữa các khâu tổ chức, hình thức, và nội dung của Hội nghị. IEEE là chuẩn mực tốt nhất cho một hội nghị, và hiện nay cũng đã khá phổ quát ở Việt Nam.
  • Để phát triển hoạt động của Hội tự động hóa Việt Nam cũng như Hội nghị VCCA, chúng ta cần học tập những mô hình hội nghề nghiệp và hội nghị tương tự ở các nước phát triển, mà không nói tiếng Anh. Một trong những mô hình đó là Hội kĩ sư Điện – Điện tử của Nhật Bản (tương đương Hội tự động hóa Việt Nam về chuyên môn) và Hội nghị SAMCON (tương đương VCCA về nội dung).

Các con số và sự kiện qua 10 năm đã khẳng định tầm quan trọng và vị thế của VCCA đối với những người làm trong lĩnh vực Tự động hóa. Tiếp nối Truyền thống, phát triển, và hội nhập, VCCA đã có rất nhiều dấu ấn. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu trở thành một hội nghị quốc tế như kỳ vọng, chúng ta có rất nhiều việc cần làm. VCCA thực sự là một tài sản, mà chúng ta hoàn toàn có thể nâng tầm, nếu biết tích hợp và tận dụng các thế mạnh của nhiều thế hệ các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nước và xã hội.

Tạ Cao Minh

Thời kỳ trước 2015, SAMCON chỉ là một hội nghị nhỏ, hoàn toàn thuần Nhật, các bài phát biểu hoàn toàn bằng tiếng Nhật.Từ 2015 cho đến nay, SAMCON bắt đầu được tổ chức dưới hình thức hội nghị quốc tế theo tiêu chuẩn IEEE. Tiếng Anh đã được sử dụng làm ngôn ngữ chính thức. Khâu tổ chức được giao cho các giảng viên trẻ để họ thực tập kỹ năng quản lý và tổ chức hội nghị. Ban chương trình không chỉ có các chuyên gia lão làng, mà còn có đội ngũ giảng viên trẻ, vừa có những nhà khoa học đến từ nước ngoài. SAMCON cũng có các phiên phát biểu riêng dành cho sinh viên. Các bài báo xuất sắc được giới thiệu đăng trên journal của hội kĩ sư Điện – Điện tử Nhật Bản (vai trò giống Chuyên san Đo lường, Điều khiển, và Tự động hóa). Ngoài ra, SAMCON có sự tham gia nhiệt tình của các đơn vị R&D từ các công ty công nghiệp Nhật Bản. Sau 7 năm phát triển, SAMCON đã từ một hội nghị thuần Nhật trở thành một hội nghị Quốc tế có uy tín, thu hút sự tham gia của các bài báo từ các nước khác. Dự kiến, Hội nghị SAMCON năm 2023 sẽ được tổ chức ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Đây là một bước phát triển mới, vì SAMCON đã có thể xuất khẩu mô hình ra nước ngoài.