Cơ khí “loay hoay” tìm hướng đi

23/Thg8/2012 15:45:57

dfsdfsdfsdĐể giải quyết vấn đề cần có một hành lang và động lực thúc đẩy thật sự thì ngành trụ cột của “công nghiệp hóa” mới có thể đứng vững và phát huy vai trò được.

Khó khăn và sụt giảm

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7/2012 tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai thác mỏ và công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng khá thấp với chỉ số tương ứng là 3,2% và 4,3%...

Tuy nhiên, một số ngành lại sụt giảm so với cùng kỳ năm trước như khai thác khí đốt tự nhiên giảm 3,2%; khai thác than cứng giảm 3,5%, sản xuất sắt, thép, gang giảm 4,7%; sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét, bao bì từ giấy giảm 6,5%; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện giảm 9,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 11,1%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 14,1%... Điển hình, một số lĩnh vực có mức sụt giảm “chóng mặt” với những con số đến trên 22%.

Tương tự, chỉ số tồn kho cũng cho thấy sự khó khăn lớn của ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể, ngành này có lượng hàng tồn kho tăng 21% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, một số lĩnh vực có chỉ số hàng tồn kho tăng “khủng” với con số hơn 100%.

Riêng sản phẩm cơ khí, linh kiện điện tử mức tồn kho tính đến thời điểm tháng 7/2012 tăng khoảng 53,8%, song viễn cảnh trước mắt là không mấy sáng sủa. Điều này hoàn toàn phù hợp với báo cáo về tình hình và kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp hoạt động trong những tháng đầu năm 2012.

Nhìn chung, các DN đều cho rằng, hoạt động chung của toàn ngành đang gặp nhiều khó khăn dẫn đến hoạt động sản xuất trì trệ, doanh thu kém…

Đơn cử như Công ty Cơ khí đóng tàu Vinacomin 6 tháng đầu năm, doanh thu chỉ đạt 13,3 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đặt ra là 619,4 tỷ đồng. Hay Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn doanh thu trong 6 tháng đầu năm cũng chỉ đạt 33% so với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 23%...

Biết điểm yếu để khắc phục

Mặc dù Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) đã xác định rõ khó khăn chính của ngành cơ khí Việt Nam là do chưa hình thành được một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí dẫn đến tình trạng thiếu định hướng, tập trung phát triển.

Ngoài ra, sản phẩm của ngành vẫn chủ yếu là gia công, giá trị kinh tế thấp, sản xuất trên dây chuyền, nhà máy cũ, phần lớn máy móc, thiết bị đều phải nhập từ bên ngoài, thiếu nguồn nguyên liệu… khiến các doanh nghiệp phải thường xuyên sản xuất trong tình trạng bị động, năng suất, chất lượng không cao. Bên cạnh đó, còn phải kể đến căn bệnh thiếu vốn đầu tư nên đa phần các nhà máy sản xuất cơ khí dây chuyền công nghệ lạc hậu, kém đồng bộ, không có sức cạnh tranh trên thị trường…

Theo báo cáo mới đây của VAMI, trong vòng 10 năm trở lại đây, trong nước chưa xây dựng được một nhà máy nào chuyên về lĩnh vực chế tạo máy. Trong 24 dự án thuộc cơ khí trọng điểm được phê duyệt chỉ có 5 dự án được thực hiện.

Theo Bộ Công Thương, sản phẩm cơ khí Việt Nam chỉ mới đáp ứng được hơn 40% nhu cầu trong nước và xuất khẩu ở mức không cao, nên để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành này còn phải vượt rất nhiều khó khăn, rào cản trước mắt.

Ông Bùi Quang Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ khí và Xây lắp công nghiệp (IMECO) cho rằng, chính những khó khăn nội tại khiến cho ngành cơ khí trong nước tụt hậu khá xa so với một số nước trong khu vực.

Hiện, 80% thị trường cơ khí trong nước thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài, nhiều dự án tổng thầu xây dựng nhà máy, công trình quốc gia, doanh nghiệp cơ khí khó có sự cạnh tranh với nhà thầu ngoại.

Điều này các doanh nghiệp ngành cơ khí biết rất rõ, nhưng để giải quyết vấn đề có lẽ bản thân mỗi doanh nghiệp dù lớn đến đâu cũng khó lòng tự xoay xở, giải quyết được mà cần có một hành lang và động lực thúc đẩy thật sự thì ngành trụ cột của “công nghiệp hóa” mới có thể đứng vững và phát huy vai trò được.

Chính phủ có Chương trình thí điểm công tác thiết kế và chế tạo thiết bị trong nước cho các dự án nhiệt điện. Trong đó, đã chọn thí điểm nội địa hóa thiết bị 3 dự án nhiệt điện là Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1 và Quỳnh Lập 1. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp cơ khí trong nước tham gia cung cấp sản phẩm và lắp đặt cho các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, với năng lực hiện tại không biết có bao nhiêu doanh nghiệp có thể đảm trách tốt được vấn đề này, thì đây vẫn còn là câu hỏi cần phải đợi thực tiễn trả lời.

Theo Hiendaihoa.com