Công nghiệp cơ khí: Quy mô nhỏ, giá trị gia tăng thấp

26/Thg7/2012 14:02:19

co-khi
Số lượng doanh nghiệp hùng hậu như vậy, nhưng với quy mô nhỏ và công nghệ lạc hậu nên đóng góp của ngành cơ khí vào nền kinh tế lại rất khiêm tốn.  Thị phần của sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước rất nhỏ, giá trị gia tăng thấp, tham gia xuất khẩu không đáng kể. Bởi vậy, hàng năm, Việt Nam vẫn phải chi 18 - 20 tỷ USD để nhập khẩu thiết bị cơ khí phục vụ cho nhiều ngành kinh tế quan trọng.

Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (Wami) thừa nhận, công nghiệp cơ khí nước ta hiện mới đạt trình độ gia công kết cấu thép và chế tạo các loại máy công cụ, chế biến nông nghiệp cỡ nhỏ. Ngành cơ khí trong nước vẫn chưa có cơ sở vật chất kỹ thuật để có thể chế tạo máy, thiết bị đạt tiêu chuẩn, hàm lượng công nghệ cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện 80% sản phẩm cơ khí ở thị trường trong nước thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Wami cho biết, thiếu vốn đầu tư, thiếu nhân lực kỹ thuật cao, thiếu đầu ra, chính sách đầu tư chưa rõ ràng… là những nguyên nhân chính hạn chế sự phát triển của ngành cơ khí trong nước, vì vậy, có thể nói rằng, chưa bao giờ ngành cơ khí rơi vào tình trạng ốm yếu như hiện nay. Từ đầu năm tới nay, đã có hàng trăm doanh nghiệp cơ khí lớn nhỏ phải đóng cửa, hoặc tuyên bố phá sản.

Hiệu quả kinh doanh kém, đồng nghĩa với hàng tồn kho gia tăng, sản xuất suy giảm. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn đã giảm 25%, sản xuất xe có động cơ giảm 5,3%, mô tô, xe máy giảm 6,6%...

Ông Thụ cho rằng, thu hút đầu tư vào cơ khí hiện đang thiếu sức hấp dẫn hơn hẳn so với nhiều lĩnh vực khác. Chính sách khuyến khích đầu tư có, nhưng không rõ ràng, không bảo vệ được thị trường cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là lý do khiến doanh nghiệp mệt mỏi.

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhưng chỉ thực hiện lắp ráp, chứ không đầu tư chế tạo, dẫn tới sức mạnh của ngành cơ khí chậm được cải thiện.

Ngược lại với bức tranh ảm đạm của ngành cơ khí nội địa, thị trường cơ khí Việt Nam lại được các nhà sản xuất nước ngoài đánh giá khá tiềm năng. Tháng 6 vừa qua, gần 10 doanh nghiệp cơ khí lớn của Pháp đã đến Việt Nam để thăm dò thị trường, chào bán máy móc, thiết bị.

Cơ quan Đại diện thương mại Pháp tại Việt Nam (Ubifrance Việt Nam) cho biết, mục tiêu của đoàn doanh nghiệp đơn thuần là bán sản phẩm, chứ không tính đến việc đầu tư sản xuất tại Việt Nam, bởi với một thị trường nhập khẩu khoảng 20 tỷ USD/năm thiết bị cơ khí, Việt Nam chắc chắn sẽ còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Pháp thâm nhập với các sản phẩm tiên tiến.

Theo Hiendaihoa.com