Để KH&CN là quốc sách hàng đầu Cần đổi mới cơ chế tài chính và tư duy

27/Thg4/2013 18:57:10

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn định hướng cho phát triển KH&CN, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, như: Nghị quyết Trung ương 2 (Khoá VIII), Kết luận Hội nghị Trung ương VI (Khoá IX)... Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020.

Tuy nhiên, tại hội nghị, Giám đốc ĐH Quốc gia Tp.HCM - Phan Thanh Bình chia sẻ, cái khó nhất trong quá trình thực hiện phát triển KH&CN chính là cơ chế tài chính. Cơ chế tài chính hiện nay mặc dù đã được Bộ KH&CN cùng các bộ/ngành tìm cách tháo gỡ xong xem ra vẫn còn phức tạp khiến không ít nhà khoa học ngại tham gia thực hiện đề tài/dự án nghiên cứu.
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ thì cho rằng, cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN hiện nay vẫn chưa thoát khỏi vòng “luẩn quẩn” giữa các bộ/ngành mà cụ thể là giữa Bộ KH&CN và Bộ Tài chính, mặc dù Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất rất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những bất cập trong công tác quản lý tài chính đối với các đề tài/dự án (Thông tư 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN và Thông tư 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN) xong xem ra các Thông tư này vẫn chưa thực sự giải quyết được vấn đề cơ bản của việc đổi mới, vẫn còn “làm khó” các nhà khoa học trong “đống” hoá đơn, chứng từ thanh/quyết toán. Rất đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết thêm, việc các nhà khoa học phải “chờ đợi” kinh phí được cấp trong quá trình thực hiện đề tài/dự án còn rất bất cập, có đề tài/dự án thực hiện đã được gần một năm nhưng kinh phí vẫn chưa được cấp hay trong bản thuyết minh đề tài/dự án có những mục cần phải điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với thực tiễn thì thủ tục hành chính, việc thanh quyết toán cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù, việc đảm bảo công khai, minh bạch tài chính là cần thiết nhưng cũng phải xem xét khía cạnh hoạt động KH&CN là một hoạt động rất đặc thù, không thể định lượng các khoản cần phải thu/chi. Do đó, nhiều nhà khoa học cho rằng, mấu chốt để giải bài toán KH&CN chính là đổi mới cơ chế tài chính.
Quảng Ninh được xem là tỉnh đi đầu cả nước về đầu tư tài chính cho KH&CN. Nghị quyết 04/NQ-TƯ về phát triển KH&CN tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020 và Nghị quyết 20/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh chỉ rõ, dành 4-5% ngân sách của tỉnh đầu tư cho KH&CN. Ví dụ này để chỉ ra rằng yếu tố tư duy và nhận thức của những người lãnh đạo trong việc đầu tư cho KH&CN cũng được xem là một trong nhiều nhân tố quyết định sự thành công hay thất bại trong hoạt động KH&CN.
Để phát triển KH&CN, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ/ngành, Bộ trưởng Nguyễn Quân còn nhấn mạnh sự tham gia vào cuộc của các doanh nghiệp và của cả xã hội. Bộ trưởng chia sẻ, Việt Nam đóng mới và hạ thuỷ thành công giàn khoan tự nâng 90m nước chính là do sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc nhiềt tình của nhiều bộ/ngành, nhà khoa học, chuyên gia... đến từ các tổ chức KH&CN trong cả nước. Việc làm chủ công nghệ chế tạo giàn khoan này không chỉ khẳng định ý chí và lòng đam mê nghiên cứu sáng tạo của các nhà khoa học trong nước mà còn khẳng định được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế (Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới chế tạo được giàn khoan tự nâng). Bộ trường Nguyễn Quân cũng dẫn chứng, Tạp đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng đặc biệt quan tâm đến hoạt động KH&CN (chi cho KH&CN tại tập đoàn này năm sau luôn cao hơn năm trước: năm 2011 đã trích 25.000 tỷ đồng, năm 2012 là 38.000 tỷ đồng cho hoạt động KH&CN), nên Tập đoàn ngày càng phát triển và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và thế giới. Ông Nguyễn Quân cho rằng, nếu các doanh nghiệp trong nước ai cũng mạnh dạn đầu tư cho KH&CN thì chúng ta không sợ không có tiền để thực hiện các chương trình nghiên cứu sáng tạo...
Có thể khẳng định rằng, để phát triển KH&CN, phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, rất cần có sự đồng thuận và tham gia tích cực của các ngành, các cấp và đông đảo đội ngũ cán bộ KH&CN, các tầng lớp xã hội... đề KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội.

Bài ảnh Phong Vũ

Số 146 (3/2013)♦Tạp chí tự động hóa ngày nay