Đồng bằng sông Cửu Long: dùng trấu để phát điện

22/Thg8/2006 15:40:11

Để có một nhà máy công suất 4 MW, chỉ cần 48.700-56.200 tấn trấu/năm, vốn đầu tư 5,4 triệu USD. Mỗi nhà máy cần mặt bằng xây dựng 2ha. Nhà máy 4MW đặt gần cụm xay xát Thới Lai, huyện Cờ Đỏ và một nhà máy công suất 3 MW, thời gian vận hành 7.200 giờ sẽ cần khoảng 36.500-40.500 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 4,2 triệu USD đặt gần cụm xay xát Trung Kiên, huyện Thốt Nốt thì các nhà máy xay xát sẽ nhẹ lo năng lượng để chế biến.

Mỗi năm, Cần Thơ có sản lượng lúa 1,2 triệu tấn, lượng trấu thải ra trong quá trình xay xát trên 240.000 tấn, chiếm 20% lượng lúa. Ở Thới Lai, huyện Cờ Đỏ có 18 nhà máy xay xát với tổng công suất 1.720 tấn lúa/ngày. Nếu tính thời gian hoạt động trong 3 tháng của cả năm đạt 100% công suất và thời gian còn lại 30-40% công suất thì tổng lượng lúa qua xay xát tại đây vào khoảng 289.000 tấn/năm. Lượng trấu chiếm 20% là 57.000 tấn, đủ cung ứng nguyên liệu cho nhu cầu nhà máy điện công suất 4 MW. Tương tự, ở xã Trung Kiên, huyện Thốt Nốt có 14 nhà máy xay xát với tổng công suất 1.100 tấn lúa/ngày tổng lượng lúa xay xát 185.000 tấn/năm và có lượng trấu thu hồi 37.000 tấn đủ cho nhà máy điện công suất 3MW họat động. TS Cử tin rằng đây là hai nhà máy điện tuyệt vời nếu tận dụng nguồn trấu tại chỗ. Người ta có thể chọn công nghệ turbine hơi nước (ngưng hơi) tuabin/cộng cơ khí kết hợp khí hóa trấu hoặc nếu đồng phát nhiệt-điện sẽ thực hiện theo công nghệ turbine hơi nước (trích hơi).

Giá điện cũng sẽ hấp dẫn vì với công suất thiết kế nhà máy 3MW và 4MW, sản lượng điện 19.000-26.000 MWh/năm, giá trấu 100 đ/kg và chi phí vận hành, bảo trì (O& M) là 3% chi phí thiết bị/năm, giá thành điện chỉ khoảng 293-296 đ/kwh. Như vậy nếu vay vốn ngân hàng 100%, thời hạn 10 năm, lãi suất 9,6%/năm và nếu giá bán điện 4,5 US cent/kwh bán tro trấu dự kiến 10 USD/tấn và bán chứng chỉ giảm phát khí thải nhà kính dự kiến 4 USD/tấn CER... thì khả năng thu hồi vốn chỉ trong vòng 7 - 8 năm. Chưa kể tro trấu không chỉ dùng bón phân cho cây trồng, mà các nhà máy xi măng cũng đang có nhu cầu để chế biến chất phụ gia. Thái Lan, Malaysia... đã có nhiều nhà máy như vậy. Thậm chí nhiều nhà máy được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước.

Trong khi đó, ở ĐBSCL, nguồn trấu khoảng 3,6 triệu tấn/năm lại bị coi như “của nợ” ở các nhà máy xay xát. Ghe tới chở trấu, chủ nhà máy xay lúa phải “boa” 200.000-300.000 đồng/ghe, biếu thêm 1 can dầu 20 lít.