Dự án 1 triệu tấn gạo chất lượng cao cho xuất khẩu (20/7)

20/Thg7/2006 11:47:11

Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới về lượng gạo xuất khẩu, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 90% tổng sản lượng xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, phẩm cấp hạt gạo của Việt Nam chưa ổn định. Để chuẩn bị cho hạt gạo Việt Nam khi gia nhập WTO, Chính phủ đã xây dựng dự án “1 triệu tấn gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu” trong vụ đông xuân 2007 tại 7 tỉnh ĐBSCL.

Theo Tổng Công ty lương thực miền Nam (TCT LTMN) dự án 1 triệu tấn gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu sẽ thực hiện vào vụ đông xuân 2006-2007. Dựa vào năng lực sản xuất lúa của địa phương, Tổng công ty đã có kế hoạch phân bổ 7 tỉnh khu vực ĐBSCL là: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp và An Giang. Đại diện Tổng công ty cho biết, đến nay đã có 5 trong số 7 tỉnh triển khai kế hoạch thực hiện (An Giang đang tiến hành triển khai) và chỉ còn Đồng Tháp chưa triển khai. Trong chỉ tiêu phân bổ của Tổng công ty, An Giang sẽ sản xuất 30.000 ha lúa chất lượng cao với 5 giống lúa: IR 64; OM 2517; OM 2717; VND 95-20 và OMCS 2000 nguyên chủng và xác nhận.

Ông Đặng Thiện Minh, Phó phòng kế hoạch - chiến lược TCT LTMN cho biết, ĐBSCL từ lâu đã sản xuất lúa chất lượng cao nhưng chưa đồng bộ, do yêu cầu thị trường xuất khẩu đòi hỏi chất lượng gạo ngày càng cao, Tổng công ty đã thống nhất ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa tiêu chuẩn xuất khẩu gạo niên vụ năm 2006-2007 tương đối cao hơn so với trước. Đối với tỉnh An Giang, Tổng công ty sẽ giao cho 4 đơn vị: Xí nghiệp mễ cốc Long Xuyên 10.000 ha; Công ty TNHH Bình Tây 10.000 ha; Công ty lương thực Tp.HCM 5.000 ha và Công ty lương thực Tiền Giang 5.000 ha, có trách nhiệm tổ chức ký hợp đồng trực tiếp với các hợp tác xã (HTX) ở địa phương, chất lượng lúa phải theo tiêu chuẩn thống nhất do Tổng công ty đưa ra và giá lúa thu mua với phương thức linh hoạt, nhưng phải cao hơn thị trường từ 70-80 đồng/kg.

Ông Lê Thành Lập, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam tỉnh An Giang cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên ký hợp đồng với các HTX có điều kiện. Số lượng HTX có năng lực thực hiện hợp đồng theo yêu cầu của Tổng công ty thì An Giang có thể khoảng 4 HTX, để có thể ký được các hợp đồng tốt, doanh nghiệp nên có buổi tiếp xúc trực tiếp với HTX, hai bên thương lượng cụ thể các điều khoản nếu thống nhất thì ký kết như thế sẽ khả thi hơn. Ông Võ Thanh Bào, Trưởng phòng kinh doanh XNK Công ty Angimex An Giang cho biết, hiện nay để tìm mua gạo nguyên liệu làm gạo 4% bạc bụng xuất khẩu sang các thị trường cao cấp rất khó, vụ hè thu này hầu như không có gạo đạt yêu cầu này. Nếu chúng ta không sớm có kế hoạch sản xuất lúa chất lượng cao theo nhu cầu thị trường thì tương lai mất đi những thị trường cao cấp. Để có lượng gạo đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, Công ty đã đầu tư từ gốc tới ngọn nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả cao, theo ông Bào thì hợp đồng kinh tế giữa nông dân với doanh nghiệp rất khó thực hiện.

Còn theo ông Huỳnh Thế Năng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, các doanh nghiệp xuất khẩu ký được hợp đồng trực tiếp với HTX hoặc nông dân thì tốt. Có 3 vấn đề quan trọng các doanh nghiệp cần quan tâm khi ký hợp đồng với HTX là tiêu chuẩn lúa, giá thu mua lúa và phương thức giao nhận. Ngoài ra, các doanh nghiệp khi ký hợp đồng với HTX cần tìm hiểu tập quán canh tác và tập quán thu hoạch của bà con để tổ chức mạng lưới thu mua và hệ thống kho tàng cho phù hợp, có như thế các hợp đồng được ký mới khả thi, nếu không thì không cần thiết phải ràng buộc giữa doanh nghiệp xuất khẩu gạo và HTX bằng một hợp đồng không mang tính pháp lý cao, vì trong các hợp đồng giá thu mua luôn được ghi “mua theo giá thoả thuận từng thời điểm”.