Gia nhập WTO có làm nông dân đỡ khổ vì bò sữa?

15/Thg7/2006 15:32:58

Bài báo với nhan đề “Nông dân khổ vì bò sữa” trên báo Tiền phong đã phản ánh khó khăn chồng chất mà nhiều hộ nông dân ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung đang phải gánh chịu. Đàn bò gần 1500 con ở Nghệ An sẽ ra sao khi người nông dân nuôi bò không bán được sữa tươi, nợ ngân hàng chồng chất và đòi trả bò cho Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa tại Nghệ An. Trong khi đó, nhà máy sữa của Vinamilk tại Cửa Lò lại phải nhập sữa nguyên liệu từ Mỹ, Úc.

Tác giả Quang Long cho rằng nguyên nhân thất bại của Dự án nuôi bò sữa tại Nghệ An là do chỉ có một nhà máy tiêu thụ sữa tươi trong khi bò sữa được nuôi phân tán ở khắp các huyện và địa điểm đặt nhà máy chế biến sữa tại Cửa Lò nhưng không tổ chức hệ thống thu gom sữa cho nông dân.

Soạn: AM 836579 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bò sữa được nông dân nuôi theo qui mô nhỏ lẻ và phân tán

Hai nguyên nhân trên là hoàn toàn xác đáng. Nhưng giống như chương trình 1 triệu tấn mía đường, khi đàn bò sữa càng lớn thì có thể nông dân nuôi bò càng gặp khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO.

Đó là vì Việt Nam phải mở cửa đáng kể thị trường với việc giảm mạnh thuế nhập khẩu sữa. Theo cam kết gia nhập WTO giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đăng tải tại trang tin điện tử Bộ Thương mại www.mot.gov.vn (mục Diễn đàn/Hội nhập kinh tế quốc tế/Khi nào Bộ Thương mại công bố kết quả đàm phán WTO), thuế nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm sữa sẽ giảm (cụ thể như thuế nhập khẩu váng sữa giảm từ 20-30% xuống còn 10% trong vòng 5 năm, pho mát giảm lập tức từ 20% xuống 10%, kem từ 50% xuống 20% trong vòng 5 năm...) Nếu tính tới cam kết gia nhập WTO giữa ta với các nước rất mạnh về sản xuất sữa như Úc, Niu Di Lân, Hà Lan và nguyên tắc không phân biết đối xử tối huệ quốc (MFN) thì thuế suất nhập khẩu sữa có thể còn thấp hơn nữa. 

Đó là chưa kể tới các biện pháp hỗ trợ trong nước cũng có thể phải cắt giảm hoặc bãi bỏ, mặc dù về nguyên tắc, theo Điều 6 của Hiệp định Nông nghiệp của WTO, những nước đang phát triển như Việt Nam có thể duy trì một số biện pháp trợ cấp đầu tư và trợ cấp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Ngay hiện nay, khi thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu chư giảm, và còn tương đối tự do trong việc hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa, nhiều hộ nông dân đã hoang mang, lo lắng và bỏ bê việc nuôi bò sữa, một số nhà máy sữa đã coi việc nhập khẩu sữa là đầu vào chủ yếu cho sản xuất của mình.

Khi Việt Nam gia nhập WTO, sữa nhập khẩu sẽ nhiều hơn và rẻ hơn, đồng thời việc trợ cấp cho nông dân lại khó khăn hơn, thì tình hình sẽ ra sao?

Trong Quy hoạch phát triển ngành sữa (Ban hành theo Quyết định của Bộ Công nghiệp ngày 13/4/2006), một mục tiêu đề ra là đến năm 2010 nguyên liệu sữa nội địa phải đảm bảo thay thế được 40% nguyên liệu nhập, và lên đến 50% sau 2020. Trước tình hình mới, liệu quy hoạch này có khả thi?

Thời gian không còn nhiều, đòi hỏi Nhà nước phải nhanh chóng có các biện pháp mạnh mẽ tháo gỡ khó khăn cho các hộ nông dân nuôi bò sữa. Trước hết là phải thông báo các thuận lợi, khó khăn nảy sinh sau khi gia nhập WTO cho mọi doanh nghiệp và hộ nông dân biết như Nghị quyết số 13/2006/NQ-CP ngày 7/7/2006 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký. Tiếp đó, các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, thương mại và tài chính phải thống nhất được các giải pháp hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa, vừa phù hợp với các cam kết gia nhập WTO, vừa thiết thực và hiệu quả.

  • Mai Lan