Giao lưu trực tuyến: “CÁCH GÌ ? để công nghệ thông tin truyền thông góp phần đảm bảo an ninh lương thực và giảm nghèo ở Việt nam?”

30/Thg6/2006 11:40:00

Nguyên nhân của đói nghèo, đặc biệt nguời nông dân, người dân tộc thiểu số, ngoài những vấn đề về xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế v.v. còn có các nguyên nhân về sự thiếu hiểu biết, kiến thức do không được tiếp cận đến nguồn thông tin kinh tế, khoa học, kỹ thuật, thiếu kiến thức về tổ chức sản xuất và tổ chức cuộc sống. Xoá đói giảm nghèo (XĐGN) ở Việt nam được thế giới đánh giá là một trong những thành công nhất của phát triển KT-XH những năm 90 thế kỷ 20. Tỷ lệ nghèo đói chung của Việt Nam theo cách tính của Ngân hàng Thế giới đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 29% năm 2002. Theo chuẩn nghèo quốc gia (hiện hành) [2], đến cuối năm 2003 tỷ lệ hộ đói nghèo của cả nước còn 9,51% (nguồn Bộ Lao động TB&XH). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn xếp trong nhóm các nước nghèo trên thế giới và công cuộc XĐGN của Việt Nam ngày càng có nhiều thời cơ cũng như thách thức hơn khi tiến trình hội nhập đang đến gần…

Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), trong đó với sự phát triển của mạng Internet toàn cầu đã chứng tỏ là công cụ hữu hiệu và tích cực góp phần gián tiếp vào công cuộc chống đói nghèo và đảm bảo an ninh lương thực. Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra công nghệ thông tin truyền thông (CNTT-TT) là một thành phần quan trọng trong việc loại trừ nghèo đói trên thế giới, đặc biệt với hơn 75% dân số ở vùng nông thôn, trong đó 85% trực tiếp và gián tiếp trong sản xuất nông nghiệp, và nhấn mạnh rằng các ứng dụng của CNTT-TT trong công cuộc giảm nghèo phải thể hiện được vai trò cần thiết trong nông nghiệp và các lĩnh vực liên quan như an ninh lương thực và đời sống của người nông dân. Trong tiến trình này, thách thức lớn nhất đối với người nghèo nói chung và nông dân nghèo nói riêng, là sự nguy cơ “khoảng cách số” (digital divide) do các yếu tố về hạ tầng thông tin, tài nguyên và hạn chế nguồn lực, giá thành cao, kỹ năng hạn chế về kỹ thuật, công nghệ, giáo dục và văn hóa, dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cận và chia sẻ “kiến thức, thông tin” về lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi và các vấn đề khác của phát triển nông thôn như giáo dục, đào tạo, dịch vụ và thương mại điện tử.

Giao lưu trực tuyến với chủ đề “CÁCH GÌ? để công nghệ thông tin truyền thông góp phần đảm bảo an ninh lương thực và giảm nghèo ở Việt nam” là một hoạt động mang tính chủ đề của Nhóm các tổ chức xã hội dân sự vì An ninh lương thực và Giảm nghèo (CIFPEN – Civil inclusion in food security and poverty alleviation network). Hoạt động này được thực hiện với mục đích huy động sự tham gia đối thoại, đàm đạo, bình luận, cho ý kiến về vấn đề ứng dụng CNTT-TT góp phần đảm bảo an ninh lương thực, từ các tổ chức thành viên nhóm CIFPEN, tổ chức phi chính phủ, khu vực chính phủ, doanh nghiệp và rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Qua cuộc tọa đàm trực tuyến trên báo điện tử VnMedia trên mạng Internet, Nhóm CIFPEN hi vọng sẽ phát hiện được các vấn đề, giải pháp, các thách thức và qua đó tạo được sự quan tâm của xã hội và Chính phủ về vấn đề chia sẻ thông tin trong an ninh lương thực đối với người nông dân nghèo, để đưa ra các giải pháp, chính sách phù hợp trong quá trình phát triển và hội nhập thế giới của Việt nam.

Chủ đề và phạm vi của buổi tọa đàm trực tuyến khá rộng và bao trùm nhiều vấn đề nhỏ. Một số vấn đề gợi mở định hướng cho cuộc đàm đạo theo chủ đề “CÁCH GÌ? để công nghệ thông tin truyền thông góp phần đảm bảo an ninh lương thực và giảm nghèo ở Việt nam” bao gồm:

  • Internet đóng vai trò thế nào trong việc đảm bảo thông tin an ninh lương thực
  • Làm thế nào đưa các ứng dụng Thương mại điện tử tới người nông dân, đặc biệt các vùng sâu, vùng xa
  • Người nông dân cần có những điều kiện gì để có thể tiếp cận đến “kho thông tin-kiến thức” trên Internet phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống
  • Các điểm bưu điện văn hóa xã (Internet) hiện nay có hiệu quả thực sự đối với người nông dân?
  • Làm thế nào để khắc phục vấn đề “khoảng cách số” (digital divide) đối với người nông dân
  • Các tổ chức phí chính phủ đóng góp được vai trò gì trong đảm bảo an ninh lương thực với công cụ CNTT?
  • Các Websites nào dành cho người nông dân trong các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và liên quan?
  • Kinh nghiệm của thế giới về vấn đề này thế nào?  


Các khách mời của Giao lưu trực tuyến của VnMedia và Nhóm CIFPEN ngày 30/6/2006, 9h30-11h30 tại VnMedia http://vnmedia.vn/giaoluu/ bao gồm:

  • Ông Trần Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ TMĐT (Bộ Thương mại)
  • Bà Trần Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững, Giám đốc Cổng Phát triển Việt nam (VnDG)
  • Ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc TTTT- Viện Chính sách chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (MARD).
  • Ông Nguyễn Như Thắng, Giám đốc điều hành Technoaid

Giao luu truc tuyen 30-06-2006

 

Ghi chú:

[1]- Định nghĩa về an ninh lương thực: “an ninh lương thực được hiểu là sự đảm bảo về tiếp cận lương thực và sản xuất lương thực đủ về số lượng và chất lượng dinh dưỡng. An ninh  lương thực chính là vấn đề bảo đảm an ninh sinh kế.”

[2]- Chuẩn nghèo của Việt nam giai đoạn 2001-2005 là “thu nhập bình quân đầu người/tháng trong hộ: 80.000 đồng ở khu vực miền núi; 100.000 đồng ở khu vực nông thôn đồng bằng và 150.000 đồng ở khu vực thành thị”

Chuẩn nghèo của Việt nam giai đoạn 2006-2010 là “thu nhập bình quân đầu người/tháng 200.000 đồng ở khu vực nông thôn và 260.000 đồng ở khu vực thành thị”

bai_dan_de_giao_luu_truc_tuyen_ict4_anlt.doc

Technoaid.ORG

Hà nội 20/6/2006