Ngành thép: Nhiều doanh nghiệp "chết lâm sàng"

30/Thg7/2012 15:53:42

doanh-nghiep-thep_11343438516_340x250 Dự báo 6 tháng cuối năm 2012, lượng tồn kho tăng lên khoảng 15% so với các tháng đầu năm.  Đó là nhận định của ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam-  nhận định tại buổi sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành thép diễn ra ngày 27/7.

Sản xuất giảm sút, tồn kho vượt cao

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2012, sản xuất thép và tiêu thụ thép đều giảm mạnh. Đây là điều chưa từng gặp trong 10 năm nay. Cụ thể, sản xuất thép đạt 4.637.100 tấn, giảm 3,39% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó, thép xây dựng đạt 2.605.541 tấn, giảm 10,67%. Tiêu thụ sản phẩm thép dài đạt 2.618.145 tấn, giảm hơn với mức 16,96% so với cùng kỳ; sản lượng thép sản xuất trong nước cũng giảm 10,67% so cùng kỳ. Đặc biệt, nhập khẩu 6 tháng đầu năm chưa bao giờ giảm sút như năm nay, với mức giảm 36,19%. Trong bối cảnh khó khăn nhiều doanh nghiệp đã tìm đường xuất khảu nên lượng xuất khẩu thép xây dựng lại tăng mạnh, đạt 236.019 tấn, tăng 54,02%.

Ông Phạm Chí Cường cho biết, trước tình hình kinh tế trong nước khó khăn, nhiều công trình xây dựng thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng lại, do vậy thị trường tiêu thụ thép bị ảnh hưởng giảm sút, gây sức ép cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Lượng tồn kho tháng 6 vừa rồi đã tăng đến 350.000 tấn, tháng 7 có thể còn cao hơn, khoảng 370.000 tấn- là mức tồn kho cao hơn bình thường. Dự báo 6 tháng cuối năm 2012, lượng tồn kho tăng lên khoảng 15% so với các tháng đầu năm. Ông Cường nhấn mạnh: "Chưa bao giờ tình hình sản xuất của các doanh nghiệp thép khó khăn như hiện nay, có những doanh nghiệp 2-3 tháng không sản xuất".

Ví dụ như Thép Thái Nguyên có tháng chỉ tiêu thụ 20.000 tấn, thậm chí mấy tháng vừa rồi chỉ bán được 14.000-15.000 tấn. Với lượng tiêu thụ thép thấp như thế, buộc các doanh nghiệp phải tiết giảm sản xuất để con số tồn kho không dâng thêm. Giá 1 tấn thép có lúc 17-18 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, với lãi vay ngân hàng vẫn cao như hiện nay, cứ để 1 tấn tồn kho lại thì chi phí tài chính 1 tháng cho tấn thép tăng cỡ 200 -250 nghìn đồng. Như vậy đã không bán được thép, doanh nghiệp còn phải chịu lỗ, hạ giá bán thép mà vẫn phải chịu chi phí tài chính.

Sức bán giảm sút, tồn kho tăng cao chưa kể vay vốn ngân hàng cao là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp thép đã chết “lâm sàng”, không sản xuất, chạy nợ và không có tiền trả cho nhân công. Ông Phạm Chí Cường thông báo, hiện có khoảng 4-5 doanh nghiệp chết lâm sàng, tuy nhiên trên thực tế con số ấy còn nhiều hơn.

Hầu hết các doanh nghiệp thép hiện nay đều tiết giảm sản xuất và chờ điều kiện tốt hơn. Ngay như doanh nghiệp “khỏe” như Công ty Tập đoàn Hòa Phát cũng khó khăn nếu không có sự bù chéo từ các sản phẩm khác ngoài thép.

Tìm "đầu ra" cho ngành thép

Hiện nay, để giải quyết bài toán tồn kho, nhiều doanh nghiệp thép đã cắt giảm chi phí sản xuất, giảm nguyên liệu đầu vào. Ông Trần Tuấn Dương- Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát- cho biết: Không thể giải quyết một sớm một chiều vấn đề này ngay được. Hiện nay, công ty đã giảm nguồn cung nguyên liệu đầu vào và cắt 10-15% năng suất của mình, bởi nếu sản xuất 100% công suất thì đẩy lượng tồn kho lên cao.

Trước tình cảnh gian nan cung lớn hơn cầu, hàng tồn kho vẫn còn ứ đọng nhiều, thép Việt Nam còn chịu thêm sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu, nhất là thép Trung Quốc. Riêng mặt hàng thép xây dựng, hiện nay thép Trung Quốc đã vào Việt Nam với giá bán thấp hơn nhiều so với giá thép tròn cuộn chúng ta sản xuất. "Phía Bắc về cơ bản đã dẹp được thép nhập lậu Trung Quốc nhưng còn phía Nam thì chưa"- Ông Dương cảnh báo nguy cơ thép Trung Quốc sẽ tràn ngập vào thị trường Việt Nam.

Với sức ép về sản phẩm nhập khẩu, ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty thép Việt-Ý, đề xuất: Cần có giải pháp bảo vệ doanh nghiệp trong nước vì sản phẩm nhập có nhiều lợi thế lãi suất, vốn vay nên khi họ thâm nhập thị trường Việt Nam có thời điểm giá thép cuộn bán rẻ với thép trong nước là 1 triệu/tấn. Mặc dù trong nước đã điều chỉnh nhưng để cạnh tranh là không thể.

Hiện nay, nhu cầu thép thế giới giảm, trong lúc giá các loại nhiên liệu như điện, xăng, dầu, than… tăng theo giá thị trường, chưa kể hàng tồn kho và sự cạnh tranh của thép nhập khẩu, đã ảnh hưởng rất nhiều đến giá sản phẩm thép Việt Nam. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng sức tiêu thụ thép lên và giảm hàng tồn kho. Ông Cường cho rằng, cần tìm đầu ra cho ngành thép, tìm hợp đồng mới, tìm thị trường xuất khẩu mới cho sản phẩm mới như thép mạ kẽm, tôn. Bên cạnh, những thị trường cũ, cần mở ra thị trường mới như Đông Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi.

Ông Huỳnh Trung Quang- Tổng Giám đốc Công ty Thép Tây Đô- đề nghị: Những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013 nên có chương trình để xúc tiến thương mại ở các nước trong khu vực, trước hết là Myanma, Campuchia, Philipines, là sản phẩm đã có mặt. Đây là những thị trường có lợi thế, tiềm năng, hiện Việt Nam là nhà đầu tư lớn ở Myanma. Cần xúc tiến nhanh nhất để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận.

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Anh lại bày tỏ lo ngại, doanh nghiệp cố gắng để mở rộng thị trường, kể cả tìm kiếm thị trường có thể xuất khẩu được nhưng tốc độ tiêu thụ và nhu cầu thị trường rất thấp. "Lãi vay tuy giảm xuống 15%/năm nhưng các doanh nghiệp kinh doanh thép vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn. Nhiều doanh nghiệp thép không rơi vào trạng thái cho vay bình thường. Ngân hàng không ưu tiên cho ngành thép nữa"- ông Nguyễn Trọng Khôi - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam- chia sẻ.

Ông Bùi Quang Chuyện- Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công Thương- cho biết, hiện nay Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong ngành thep thuận lợi vay vốn với lãi suất hợp lý. Đồng thời mở rộng đầu tư công trình xây dựng cơ bản do Nhà nước bỏ vốn như cơ sở hạ tầng, đường xá và công trình nhà. Bộ cũng tìm các giải pháp tháo gỡ cho ngành bất động sản vì đây là ngành gắn với tiêu thụ xi măng, sắt thép...; tháo gỡ cho doanh nghiệp thông qua thuế xuất khẩu, nhập khẩu… để bảo hộ doanh nghiệp trong nước.

Theo Hiendaihoa.com