Nhà nông Việt Nam và WTO

22/Thg5/2006 12:12:00

Nông dân trồng mía cũng trong tình cảnh tương tự. Giá thu mua mía giảm xuống do lượng đường ngoại nhập từ EU tăng vọt, trong khi giá phân bón và thuốc trừ sâu lại tăng do nhà nước phải chấm dứt trợ giá. Ngoài ra, Trung Quốc bây giờ nhập nhiều lúa mì của Mỹ đến nỗi người dân cho rằng họ “ăn nhiều bánh mì Mỹ hơn là bánh mì Trung Quốc”.

Đó là câu chuyện do các chuyên gia Trung Quốc kể tại một hội thảo về WTO được Action Aid, một tổ chức phi chính phủ chuyên về chống đói nghèo, tổ chức tại Tuyên Quang hồi đầu năm nay. “Nông dân Trung Quốc chịu đựng các cú sốc này mà ít người hiểu được đó là hệ quả của việc Trung Quốc buộc phải cam kết mức thuế đánh vào hàng nông nghiệp nhập khẩu là 15,5%, trong khi các nhà sản xuất đường của EU hằng năm được nhận trợ cấp ngầm 833 triệu euro các mặt hàng xuất khẩu” - ông Ramesh Khadka, người Nepal, giám đốc Tổ chức Action Aid tại Việt Nam, nói.

Theo điều kiện gia nhập WTO, mỗi năm Trung Quốc phải chấp nhận nhập 1,6 triệu tấn đường tinh luyện, tương đương 20% sản lượng đường trong nước. Kể từ khi gia nhập WTO năm 2001, giá đường ở Trung Quốc giảm 35% làm cho người trồng mía, người chế biến và chính quyền địa phương điêu đứng. Nông dân ở Quảng Tây đã thiệt hại 369 triệu USD do đường mất giá.

Đó cũng có thể là viễn cảnh của ngành mía đường Việt Nam - ông Ho Seung, chủ tịch nhóm công tác Việt Nam gia nhập WTO, nhận định. “Tôi cho rằng gạo và bông của Việt Nam có khả năng cạnh tranh nhưng ngành đường sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, nông dân trồng ngô cũng có thể bị ảnh hưởng mạnh”, ông nói trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua để chuẩn bị cho phiên đàm phán đa phương Việt Nam gia nhập WTO lần 9. Hiện giá đường của Việt Nam đang cao hơn giá đường thế giới và thuế suất đánh vào hàng đường trắng nhập khẩu là 40-60%.

Trong thỏa thuận đạt được với EU về kết thúc đàm phán gia nhập WTO, mức thuế bình quân trong lĩnh vực nông nghiệp mà Việt Nam cam kết là 24% với thời gian quá độ thực hiện là ba năm. Mức thuế này nếu so với Trung Quốc được coi là ưu đãi hơn nhưng vẫn thiệt thòi nếu so với các nước láng giềng ASEAN khác. Thái Lan và Philippines được áp dụng mức thuế nông nghiệp lần lượt là 26% và 34%. Nepal, một nước kém phát triển vừa gia nhập WTO năm 2003, cũng được áp dụng mức thuế nông nghiệp bình quân là 42%.

“Trung Quốc đã chấp nhận mức thuế nông nghiệp thấp bởi họ quyết định sẽ “hi sinh” ngành nông nghiệp nhằm đổi lấy những cơ hội xuất khẩu khổng lồ hơn từ ngành công nghiệp chế tạo. Quyết định này có thể phù hợp với Trung Quốc bởi vì họ cực kỳ mạnh về công nghiệp chế tạo, đặc biệt là dệt may, đồ chơi, hàng điện tử” - ông Khadka phân tích. Tuy nhiên, theo ông, hướng suy nghĩ này không phù hợp lắm với Việt Nam bởi gần 80% dân số Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, trong khi ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam chưa đủ mạnh để cạnh tranh.

Đến từ Nepal, nước láng giềng của Trung Quốc, ông Khadka cho biết hiện tượng nông dân bỏ làng lên thành phố ở Ấn Độ gia tăng sau khi Ấn Độ gia nhập WTO do các sản phẩm nông nghiệp không cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. “Tôi có thể tưởng tượng với mức thuế nhập khẩu thấp, trứng gà và gà của Trung Quốc sẽ tràn ngập Việt Nam chứ không chỉ chiếm lĩnh thị trường vùng biên như hiện giờ” - ông Khadka nói.

Thế nhưng theo ông Ho Seung, “tiếp cận thị trường hơn nữa” vẫn tiếp tục là một trong những vấn đề được bàn thảo tại cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Việt Nam và các thành viên WTO tại Geneva. “Trước bản chào mới nhất của Việt Nam mà tôi cho là rất tốt (thuế nông nghiệp bình quân 25,3%, thuế công nghiệp 17%), một số đối tác vẫn cho rằng cần phải đàm phán tiếp tục” - ông cho biết, tuy nhiên từ chối đề cập cụ thể là những nước nào. Phần lớn đến từ những nước có nền kinh tế khá lớn như Brazil, Mexico và Ấn Độ. “Do không phải là một nhân tố hùng mạnh của thương mại thế giới, Việt Nam sẽ thấy đương đầu với những cáo buộc của các nước khác tại WTO không phải là chuyện đơn giản”, báo cáo của Oxfam viết.

Ông Ho Seung cho rằng Việt Nam cần tận dụng tối đa khoảng thời gian quá độ để tăng tính cạnh tranh cho các lĩnh vực dễ bị tổn thương mạnh sau khi Việt Nam gia nhập WTO. “Việt Nam cần có đàm phán tốt với các đối tác để có thời gian quá độ càng dài càng tốt. Kinh tế Hàn Quốc khi gia nhập WTO cũng yếu kém nhưng chúng tôi phải nỗ lực cải tổ, chuyển đổi cơ cấu trong thời kỳ quá độ. Cạnh tranh luôn là sức ép lớn với bất kỳ nước nào, ví dụ như Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh từ các nước láng giềng trong khi Hàn Quốc luôn bị cạnh tranh bởi Nhật Bản, Mỹ”, ông nói.

Oxfam cho biết một siêu cường hàng đầu về trợ giá (trợ giá mỗi năm tới 10 tỷ USD cho chủ trại trồng ngô) cùng với hai quốc gia ở vùng Thái Bình Dương đang đòi hỏi Việt Nam phải giảm trợ cấp nông nghiệp (dưới hình thức trợ cước vận chuyển vật tư chẳng hạn) mặc dù tổng số trợ cấp của các chương trình này quá nhỏ bé để có thể làm méo mó diện mạo của thương mại.

Action Aid gợi ý Việt Nam cần phải kết hợp chặt chẽ hơn với các nước đang phát triển khác như Brazil, Ấn Độ... để tạo thành một liên minh đấu tranh với những đòi hỏi quá đáng của một số nước phát triển. “Tại hội nghị các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ đã phát biểu rằng Việt Nam cần đẩy mạnh các nghiên cứu cùng với các nước khác để chỉ ra tác động tiêu cực tới nông dân, người nghèo nếu Việt Nam buộc phải chịu các điều khoản quá thiệt thòi để gia nhập WTO”, ông Khadka nói.

(Theo Tuổi Trẻ)