Nhất thiết phải có luật thì công nghệ cao mới phát triển?

28/Thg5/2008 09:22:29

Đánh giá về vài trò của khoa học công nghệ cao, ĐB Mai cho rằng, trong thời đại ngày nay, thời đại của nền kinh tế tri thức, khoa học công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bất cứ một quốc gia nào muốn phát triển nhanh và bền vững đều phải dựa vào khoa học công nghệ tiên tiến, hiện tại chúng ta thường gọi là công nghệ cao, công nghệ hiện đại.

 

Đồng tình cao và ủng hộ dự thảo luật, tuy nhiên, ĐB Mai đưa ra hai vấn đề còn băn khoăn: Một là, khái niệm "công nghệ cao" trong dự thảo luật rất ít nước quy định trong luật mà chỉ ghi trong văn bản dưới luật. Trên thế giới chỉ có vài nước có luật Công nghệ cao, vậy ta nên như thế nào cho phù hợp với quy định chung của thế giới. Hơn nữa, nước ta chưa phải là nước có trình độ công nghệ thuộc hàng tiên tiến của thế giới, vậy luật của chúng ta ra đời có tính tới tính thực tiễn chưa?

 

Vấn đề thứ hai là, có nhất thiết phải có luật thì công nghệ cao mới phát triển? nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ không có luật Công nghệ cao mà công nghệ họ vẫn phát triển. Vấn đề này được lý giải ra sao?

 

Cũng theo ĐB Mai, trong 4 năm qua, chúng ta có 4 chương trình trọng điểm quốc gia về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa đều được xác định là công nghệ cao và đã triển khai thực hiện, cần tổng kết, đánh giá để rút ra bài học kinh nghiệm.

 

ĐB Dương Kim Anh – Đoàn Trà Vinh cho rằng, việc quy định mức ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đối với hoạt động công nghệ cao vào các điều, khoản của luật Công nghệ cao là cần thiết, nhưng Chính phủ cần phải xác định rõ mức ưu đãi hỗ trợ và đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm để thúc đẩy công nghệ cao phát triển một cách bền vững. Nghiên cứu đầu tư công nghệ cao nên gắn với mục tiêu kinh tế - xã hội cụ thể của đất nước ở từng giai đoạn, không nên đầu tư dàn trải, dẫn đến thất thoát, lãng phí nguồn lực.

 

ĐB Kim Anh đề nghị Ban soạn thảo xem xét cân nhắc viết lại các điều khoản quy định còn chung chung, chưa cụ thể, khó hiểu, khó thực hiện. Theo ĐB Kim Anh, nên quy định hàng năm Nhà nước chi bao nhiêu phần trăm ngân sách cho hoạt động công nghệ cao vào luật, để các cơ quan quản lý điều hành dễ phân bổ cho nghiên cứu, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao là bao nhiêu.

 

Cũng theo ĐB Kim Anh, hiện nay cả nước chúng ta có 9 tỉnh, thành phố có công nghệ cao, 21 khu công nghệ cao. Nhà nước nên tập trung ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng công nghệ ở những khu vực này cho thực sự có hiệu quả. Sau năm 2010, nên tổ chức tổng kết đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm, từ đó mới nhân rộng ở các địa phương khác. Không nên đầu tư tràn lan nhưng rồi hiệu quả kinh tế không cao.

 

ĐB Nguyễn Lân Dũng – Đoàn Đắc Lắk đánh giá, hiện chúng ta đang thiếu hẳn các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học, nhất là hàng lọat các dược phẩm. Mỗi năm chúng ta đã phải nhập 1 tỷ USD để mua dược phẩm. Không có lý gì mà một nước có dân số đứng thứ 13 thế giới cho đến nay chưa làm được một chút nào vitamin, một chút nào kháng sinh, chúng ta chỉ có nhập nguyên liệu rồi về bào chế thôi. Chưa kể các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và đời sống. Nhiều khi chúng ta nhầm công nghệ sinh học truyền thống, công nghệ sinh học cận đại là công nghệ cao, thật là chưa thỏa đáng. Chẳng hạn nuôi cấy mô là kỹ thuật để nhân nhanh những giống quý, hay các giống sạch mầm bệnh bản thân không phải là công nghệ cao. Vì vậy, không nên đầu tư ồ ạt ở mọi tỉnh như hiện nay.

 

ĐB Dũng kiến nghị, trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt ưu tiên những công nghệ sinh học hiện đại. Chúng ta có đầy đủ điều kiện để phát triển nhanh lĩnh vực rất mới mẻ này, có thể đem lại những hiệu quả rất nhanh chóng, phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông, lâm ngư nghiệp, cho công nghiệp thực phẩm, công nghiệp tuyển khoáng, công nghiệp hóa chất, đặc biệt là cho công nghiệp dược phẩm.

 

Con theo ĐB Huỳnh Thành Đạt – Đoàn TP Hồ Chí Minh, ông rất ủng hộ việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm cho công nghệ cao, vì việc đầu tư cho công nghệ cao nếu thành công thì lợi rất lớn, nhưng khả năng thành công của việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ cao là không chắc chắn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do tính rủi ro cao, việc thành lập quỹ này là rất cần thiết, nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai, hoặc không may thất bại xảy ra.

 

ĐB Đạt cũng đề nghị xem xét để xã hội hoá quỹ này. Tuy nhiên để quỹ phát huy được hiệu quả, đảm bảo sự minh bạch, luật hoặc nghị định hướng dẫn cần ban hành các quy định hết sức chặt chẽ về quản lý sử dụng cũng như phát triển quỹ.

 

Theo chương trình làm việc, sáng mai 28/5/2008, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật công nghệ cao; Buổi chiều, Quốc hội sẽ nghe trình bày và thảo luận về Tờ trình dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi).

Theo Vnmedia