Nông nghiệp: chặng đường phía trước

01/Thg7/2006 09:37:00

Khoa học - kỹ thuật đi trước

Để vượt qua những khó nhăn và thách thức này, điều cấp thiết nhất là hoàn chỉnh chiến lược phát triển nông nghiệp, tạo bước chuyển về chất lượng và sức cạnh tranh trong giai đoạn hậu WTO. Cho đến nay, trong nông nghiệp vẫn còn ít nhiều tư duy tự cấp tự túc, thiếu chú trọng tập trung khai thác các sản phẩm có lợi thế so sánh, dựa vào nguồn nhân lực dồi dào và điều kiện tự nhiên đặc thù, đa dạng của đất nước.

Cây bông vải không thích hợp với điều kiện của đồng bằng sông Cửu Long, nên cho năng suất, chất lượng thấp, giá thành cao hơn so với nhập khẩu, vậy mà đã từng có chủ trương phát triển bông vải trong khu vực này. Trong khi chưa chọn được giống thích hợp với điều kiện sinh thái nóng và ẩm của miền nam, giống bò sữa nhập hoặc lai cho năng suất sữa trung bình chỉ bằng một nửa so với vùng ôn đới, vậy mà vẫn có chủ trương phát triển ồ ạt. Trách sao hàng loạt nhà chăn nuôi chẳng điêu đứng vì thua lỗ. Hơn nữa, mỗi con bò sữa ở châu Âu và Bắc Mỹ còn được trợ giá hơn hai USD/ngày, thì sữa bò trong nước làm sao cạnh tranh nổi. Vì sao cứ phải lao vào cuộc chiến mà phần bại khó tránh khỏi đã có thể đoán trước được?

Khi chủ trương phát triển cây bông vải, đậu nành và bắp ở đồng bằng sông Cửu Long được phát động, trong một cuộc họp tại TPHCM, có nhà lãnh đạo trong Chính phủ hỏi tôi về trường hợp cây đậu nành. Tôi xin phép được nói thẳng: Với kinh nghiệm của mình, tôi bảo đảm đậu nành sản xuất ở ĐBSCL có thể đạt năng suất cao nhất nước, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với Mỹ, Brazil và một số nước khác, chưa nói là chi phí phòng trừ sâu bệnh rất cao; hơn nữa Mỹ còn trợ giá cho đậu nành rất nhiều. Vì vậy trước khi quyết định mở rộng sản xuất, cần cân nhắc lợi ích giữa tự sản xuất với giá thành cao và nhập khẩu với giá rẻ.

Theo thỏa thuận với Mỹ, cũng có nghĩa là cả với các nước khác, khi gia nhập WTO, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu nông sản, đối với đậu nành thuế suất sẽ giảm từ 15% xuống còn 5% trong ba năm, còn bông vải sẽ được hưởng mức thuế 0% ngay lập tức. Trong thời đại toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, tư duy tự cấp tự túc sẽ đẩy nền nông nghiệp nước ta vào ngõ cụt, mà hậu quả trước tiên nông dân sẽ gánh chịu. Cần sớm xác định và tập trung phát triển những loại nông sản có lợi thế so sánh, và xóa bỏ hẳn cách nghĩ không nên nhập những thứ mà chúng ta có thể sản xuất được, bất kể với mức chi phí nào, của thời kỳ trước “mở cửa”.

Nói điều đó không có nghĩa là phải xóa sổ các loại cây trồng, vật nuôi nói trên ở nước ta, mà khi hình thành ý định mở rộng sản xuất ra ngoài các địa bàn truyền thống, bước đi cần thiết phải làm trước là đầu tư nghiên cứu tạo ra giống mới và quy trình canh tác bảo đảm sản phẩm thu được có tính cạnh tranh trên thị trường. Đáng tiếc là trình tự ngược lại đã được áp dụng trong không ít trường hợp, như đã nói ở trên. Chỉ khi nào khoa học - kỹ thuật đi trước một bước, thì nền nông nghiệp nước ta mới có đủ năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững trong tiến trình hội nhập.

Cần một chính sách hợp lý

Chính sách ruộng đất có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của nền nông nghiệp, nhưng cho đến nay vẫn có sự giằng co giữa hai quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này. Nên chăng cứ tiếp tục hô hào khẩu hiệu “người cày có ruộng”, được nêu ra trong giai đoạn chống thực dân phong kiến, mà không nhìn thấy thực tế là ruộng đồng ngày càng bị chia nhỏ, làm cho sản xuất kém hiệu quả, do khó áp dụng cơ giới hóa đồng bộ hay hạn chế trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật? Cùng trên một cánh đồng, nhưng sản xuất manh mún, mỗi người làm theo một kiểu, gây trở ngại cho nhau, thì không thể nào đáp ứng được yêu cầu của thị trường về hàng hóa chất lượng cao, khối lượng lớn, giá cạnh tranh.

Thử tính thu nhập của một nông hộ với bốn nhân khẩu, có 1 héc ta ruộng. Giả sử ruộng có thể sản xuất lúa ba vụ, với năng suất cao, bình quân 5 tấn/héc ta/vụ. Từ 15 tấn lúa, bán với giá 2.300 đồng/ký như hiện nay, nông hộ thu được 34,5 triệu đồng. Với mức lời cao - 30%, thu nhập thực tế của cả gia đình là 10,35 triệu đồng, chia ra mỗi nhân khẩu được 2,5875 triệu đồng/năm hay 215.600 đồng/người/tháng, thấp hơn ngưỡng nghèo. Cho dù đạt được mức phấn đấu 50 triệu đồng/héc ta đi nữa, thì thu nhập bình quân đầu người cũng mới chỉ có 312.500 đồng/người/tháng. Với mức thu nhập ít ỏi như vậy, những nông hộ đó khó có cơ may phát triển và lo cho con cái ăn học chu đáo, chưa nói đến trường hợp ốm đau hay gặp thiên tai. Vậy mà số nông hộ có diện tích ruộng khoảng 1 héc ta trở lại ở nước ta đang chiếm một tỷ lệ lớn. Một số nước Tây Âu cũng có chính sách hạn điền, nhưng thay vì với mức giới hạn trên như ở nước ta, họ chỉ quy định mức giới hạn dưới, để tránh tình trạng chia ruộng đất quá nhỏ, làm giảm hiệu quả canh tác. Thiết nghĩ đó cũng là điều đáng cân nhắc đối với đề xuất nới rộng hạn điền, đi đôi với phát triển việc làm phi nông nghiệp và đào tạo cho nông dân.

Trái ngược với tình trạng thiếu đất sản xuất của nông dân, các nông trường quốc doanh đang kiểm soát đến 25% diện tích đất nông nghiệp của quốc gia, nhưng sản xuất kém hiệu quả, chỉ tạo ra 1% GDP (theo TS. Lê Đăng Doanh). Sự bất hợp lý nói trên cần sớm có giải pháp khắc phục.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đất hẹp người đông và kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ lệ khá lớn của nước ta, dù có chấp nhận mở rộng hạn điền, những nông hộ có diện tích ruộng vài héc ta trở lại vẫn còn chiếm số đông, ít nhất trong vài thập kỷ tới, do công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển đủ sức thu hút phần lớn lao động nông thôn. Gần đây một số tỉnh, thành còn chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch. Điều đó càng đòi hỏi đẩy nhanh việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, để có đủ sức đầu tư cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới trên diện rộng.

Tình trạng nghèo khó và thu nhập bấp bênh của số đông nông dân không cho phép cứ tiếp tục duy trì cách nghĩ, cách làm cũ. Chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp dựa trên cơ sở nông hộ, một thời đã mang lại hiệu quả trong việc chuyển nước ta từ tình trạng nhập khẩu lương thực thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, cùng nhiều loại nông sản khác. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, sản xuất nhỏ lẻ lại trở thành cản ngại lớn cho bước phát triển tiếp theo của nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Thử nghĩ về tình huống sau: Một địa phương có hàng chục ngàn héc ta vườn, cử một đoàn ra nước ngoài tiếp thị về các loại trái cây. Đối tác nhận thấy chất lượng và giá cả trái cây có thể chấp nhận được, nên đã cử đoàn sang đàm phán. Khi tìm hiểu kỹ lại, thì chất lượng trái cây không đồng nhất, khó tập trung số lượng lớn. Hy vọng xuất khẩu tan biến nhanh chóng. Tiếc thay, đó không phải là tình huống giả định, mà là chuyện đã xảy ra trong thực tế. Nguyên nhân không khó xác định - sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Do đó, tăng cường hợp tác hóa thông qua các chính sách và giải pháp thích hợp là vấn đề thiết yếu cho bước phát triển tiếp theo của nông nghiệp. Phải chăng đó là vấn đề quan trọng nhất, khi bước vào thời kỳ hậu WTO, gắn liền với việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp?

Thời báo kinh tế Sài Gòn