Phát triển ngành năng lượng mới tại Việt Nam : Khó vì thiếu chính sách

27/Thg9/2008 19:19:40

Năng lượng tái tạo: bỏ ngỏ đến bao giờ

Ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết hiện nhu cầu năng lượng nước ta rất lớn. Cụ thể nhu cầu năng lượng sơ cấp vào năm 2010 đạt khoảng 47,5 – 49,5 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2020 đạt 100 – 110 triệu TOE và năm 2050 là 320 triệu TOE. Nhu cầu sử dụng ngày càng tăng trong khi nguồn cung cấp năng lượng hóa thạch lại càng cạn kiệt dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng, giá năng lượng ngày càng đắt đỏ.

Các đại biểu tham quan công nghệ sản xuất điện từ sức gió.

Trên thực tế, việc thiếu điện dẫn đến phải cúp điện luân phiên diễn ra từ tháng 3 đến tháng 9-2008 vừa qua cho thấy nguồn cung năng lượng hiện rất căng thẳng. Giáo sư Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, tiềm năng của ngành NLM Việt Nam có mặt trong mọi lĩnh vực từ thông tin liên lạc, viễn thông, giao thông vận tải.

Tuy nhiên, tiềm năng này đang bị bỏ ngỏ. Hiện lượng điện năng tái tạo nước ta chỉ mới chiếm 1% trong tổng lượng tiêu thụ điện. Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết, sở đã nhiều lần kiến nghị nên sớm có chính sách cụ thể về việc khuyến khích phát triển NLM; sớm ban hành tiêu chuẩn chất lượng cho loại sản phẩm của ngành này… Nhưng cho đến nay vấn đề trên vẫn còn phải chờ.

Ông Trịnh Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lượng mặt trời khẳng định, những yếu tố cần thiết để phát triển ngành này đã đủ. Bản thân trung tâm đã từng lắp đặt thành công nhiều hệ thống điện mặt trời cho nhiều khu vực nông thôn và hải đảo. Vậy vấn đề còn lại để có thể kích hoạt cho sự ra đời và phát triển ngành này chính là thiếu chính sách cụ thể. Và nếu vấn đề này không được giải quyết e rằng mục tiêu đề ra phải đạt 3% lượng điện năng tái tạo vào năm 2010 và tăng lên 5% năm 2020 là không khả thi.

Sử dụng trước, trả tiền sau

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư cho ngành năng lượng mới này. Ông Đỗ Hữu Hào nhấn mạnh, hiện Ngân hàng Thế giới đã xây dựng nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ngành NLM. Tuy nhiên, theo ý kiến từ nhiều nhà đầu tư tham dự hội nghị, để có thể đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong lĩnh vực NLM rất cần nhà nước có chính sách linh hoạt.

Ông Lê Trọng Đỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Kim Đỉnh cho biết: “Chúng tôi đã triển khai lắp đặt thí điểm 2 trụ đèn đường sử dụng điện từ nắng và gió tại Hà Nội. Thực ra, công nghệ trên đã từng được tập đoàn thực hiện tại nhiều nước trên thế giới và đã thành công. Tôi cũng như nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác rất mong thành công trên được ứng dụng tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Chỉ có điều, chúng tôi không cần nhà nước phải hỗ trợ vốn đầu tư để sản xuất mà chỉ cần chính sách ứng dụng linh hoạt.

Ví dụ như tập đoàn có thể đầu tư cải tạo toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng công cộng của TPHCM bằng loại đèn sử dụng điện bằng nắng và gió. Nhà nước chỉ phải trả một phần nhỏ chi phí đầu tư. Số còn lại sẽ được khấu trừ dần vào tiền điện mà đơn vị thụ hưởng tiết kiệm điện được. Mặt khác, nhà nước cần sớm ban hành tiêu chuẩn chất lượng liên quan đến sản phẩm ngành NLM. Nếu không thì những sản phẩm như tấm pin mặt trời, pin tích trữ điện từ mặt trời, các loại đèn led và xulon tiết kiệm điện… không biết căn cứ vào tiêu chuẩn nào để sản xuất cũng như công bố chất lượng”.

Liên quan đến vấn đề chính sách, ông Đỗ Hữu Hào cho biết, trong thời gian tới bộ sẽ tiến hành điều tra, quy hoạch các dạng NLM bởi các dạng năng lượng này chưa được đánh giá đúng và đủ. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở thích hợp để sản xuất, lắp ráp, sửa chữa các loại thiết bị NLM; hợp tác mua công nghệ của các nước đã phát triển để lắp ráp các thiết bị công nghệ cao pin mặt trời, điện gió…

Mặt khác, bộ đang triển khai một số hoạt động như xây dựng đề án chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển nguồn NLM; xây dựng dự án phát triển năng lượng tái tạo; xây dựng công cụ, phương pháp và thủ tục lập quy hoạch, chuẩn bị các dự án năng lượng tái tạo không nối lưới; xây dựng dịch vụ tài chính và mô hình thể chế cho các dự án năng lượng tái tạo…

Tuy nhiên, với quá nhiều việc Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng, đang nghiên cứu thì chắc hẳn ngành NLM của nước ta vẫn còn phải tiếp tục “đi bộ” trên đường phát triển. Trong khi đó, các nước trên thế giới nói chung và các nước trong khu vực nói riêng đã và đang bắt đầu chuyển sang giai đoạn “đi tàu siêu tốc” trong lĩnh vực này để đảm bảo cho vấn đề an ninh năng lượng trong tương lai gần.

Theo SGGP