Sản xuất điện và biểu giá điện trên thế giới và của Việt Nam

28/Thg9/2015 11:28:27

SẢN SUẤT ĐIỆN VÀ BIỂU GIÁ ĐIỆN TRÊN THẾ GIỚI

Hiện nay trên thế giới điện năng được sản xuất chủ yếu từ than chiếm tỷ lệ 40,5%, từ khí đốt 21,4%, thủy điện 16,2%, nguyên tử 13,4%, dầu 5,1%, các nguồn năng lượng khác 3%. Sản xuất điện của các nước công nghiệp hàng đầu được cho trong bảng 1.

Bảng 1 Sản xuất điện của các nước công nghiệp hàng đầu (2014) BIỂU GIÁ ĐIỆN TRUNG BÌNH CỦA MỘT SỐ NƯỚC cent/ kWh (20U)

Chúng ta hãy xem xét thống kê biểu giá điện của một số nước trên thế giới cho trên hình 1.

Giá điện trung bình thay đổi rất nhiều tùy theo chính sách năng lượng của các nước, cao nhất là Đan Mạch 41 cent/kWh, Đức 35 cent/kWh, các nước Tây Âu như Anh 20 cent/kWh, Pháp 19 cent/kWh và thấp nhất là Ấn Độ, Trung Quốc 8 cent/kWh. Trong các nước kinh tế phát triển do có nguồn thủy năng phong phú nên giá điện của Canada tương đối thấp 10 cent/kWh.

NGÀNH ĐIỆN VIỆT NAM TĂNG TỐC VỚI TỐC ĐỘ HAI CON SỐ

Để phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế, ngành điện đang được ưu tiên đầu tư theo Quy hoạch phát triển năng lượng VII (Tổng sơ đồ VII): Ngày 21 tháng 7 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn 2030. Quy hoạch điện VII nhấn mạnh tái cấu trúc tập toàn EVN, tự do hóa thị trường năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo. Quy hoạch điện VII dự báo rằng nếu GDP Việt Nam ở mức 7 - 8% trong giai đoạn 2011 - 2030 thì nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng 12,1% mỗi năm ( mức thấp) và 13,4% (mức trung bình) hoặc 16,1% (mức cao) trong giai đoạn 2011-2015. Đầu năm 2013, Bộ Công Thương bắt đầu rà soát lại Quy hoạch điện VII trong bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế thấp và sự chậm chễ trong các công trình xây dựng nhà máy điện hiện tại.

Tái cấu trúc ngành: Một trong những bước chuyển tiếp quan trọng hướng tới một thị trường điện cạnh tranh là tái cơ cấu EVN từ tập đoàn trực thuộc nhà nước và sở hữu nhiều công ty con thành công ty cổ phần với các cổ đông đến từ các thành phần kinh tế trong nước, ngoài nước. Việc tái cơ cấu này nhằm mục đích định hướng hoạt động của EVN như một công ty cổ phần có sự tách biệt với chính phủ. Việc cải cách EVN còn liên quan đến việc chia tách các đơn vị, công ty con ra khỏi EVN để hình thành các công ty cổ phần mới.

Hình thành thị trường điện cạnh tranh

Năm 2004, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Điện lực để bước đầu phát triển thị trường điện cạnh tranh. Sau đó, năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2006/QD-TTg phê duyệt lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam. Thị trường điện lực tại Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ:

- Cấp độ 1 (2005 - 2014): thị trường phát điện cạnh tranh
- Cấp độ 2 (2015 - 2022): thị trường bán buôn điện cạnh tranh
- Cấp độ 3 (từ sau 2022): thị trường bán lẻ điện cạnh tranh

Quy hoạch phát triển nguồn điện: Quy hoạch điện VII nhấn mạnh việc phát triển cân đối công suất nguồn trên từng miền để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng điện bền vững. Nhà máy nhiệt điện hiện đang chiếm 15% sản lượng điện sản xuất và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong trung và dài hạn. Sản lượng điện dự kiến sẽ tăng từ 21.000 MW trong năm 2010 (sản xuất khoảng 100 tỷ kWh) đến 43.000 MW (sản xuất 200 tỷ kWh) trong năm 2015 và 70.000 MW (sản xuất 330 tỷ kWh) trong năm 2020 và đến năm 2030 là 137.000 MW (sản xuất 695 tỷ kWh) như bảng 2.

Bảng 2 Quy hoạch điện VII Nguồn: Mayer Brown JSM

Năng lượng tái tạo: Quy hoạch điện VII ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối. Theo quy hoạch trên, nguồn năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tăng ở mức 4,5% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030. Cụ thể Quy hoạch sẽ chú trọng vào việc nâng cao công suất các nhà máy điện gió ở mức 1.000 MW vào năm 2020 đến 6.200 MW vào năm 2030 để nâng cao tỷ trọng từ xấp xỉ 0% đến 0,7% vào năm 2020 và 2,4% năm 2030. Gần đây, Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, trong đó tập đoàn EVN sẽ trả US$6,8 cent cho mỗi kWh và chính phủ sẽ hỗ trợ cho các nhà đầu tư US$1 cent/kWh (tổng cộng giá bán điện gió ở Việt Nam là US$ 7,8 cent/kWh).

Năng lượng điện hạt nhân: Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Năng lượng nguyên tử vào tháng 6/2008 về việc đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng phóng xạ bao gồm tham gia và thực hiện hiệp ước hạt nhân quốc tế, cũng như tăng cường hợp tác trong khu vực và quốc tế. Năm 2009, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận và công ty Rosatum của Nga đảm nhận thi công nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam và nhà máy thứ 2 được đảm nhận bởi một tập đoàn Nhật Bản.

- 3 lò phản ứng hạt nhân đi vào hoạt động trong giai đoạn 2021-2024
- Dự kiến đến năm 2030, sản lượng điện sản xuất đạt 10.700 MW và công suất sản xuất điện đạt 70.500 kWh (chiếm 10% tỏng sản lượng điện Việt Nam).
Thủ tục đầu tư: Theo ước tính của tập đoàn EVN, khoảng 123,8 tỷ đô-la Mỹ sẽ được đầu tư vào phát triển hệ thống điện quốc gia trong vòng 2 thập kỷ tới. Mức đầu tư trung bình ở mức 6,8 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm, và trong giai đoạn 2013-2015, mức đầu tư xấp xỉ 5 tỉ đô-la Mỹ mỗi năm. Trong đó, 66% khoản đầu tư trên được sử dụng phát triển nhà máy điện và 33,4% còn lại được sử dụng phát triển mạng lưới điện.

Cụ thể, Việt Nam có kế hoạch đầu tư vào 98 nhà máy điện với tổng công suất lên đến 59.444 MW, trong đó tập đoàn EVN sẽ xây dựng 48 nhà máy điện có tổng công suất 33.245 với tổng số vốn đầu tư ước tính khoàng 38,6 tỷ đô-la Mỹ (trong đó 26,8 tỷ đô-la Mỹ dành cho sản xuất điện).

BIỂU GIÁ ĐIỆN Ở VIỆT NAM

Do nhiều lý do về chính trị xã hội và kinh tế, cho đến nay ngành điện Việt Nam chưa thực sự hoạt động theo nền kinh tế thị trường. Biểu giá điện của Việt Nam duy trì ở mức rất thấp tương đương với biểu giá điện của các nước thấp nhất thế giới là Trung Quôc và Ấn Độ, vào khoảng 8 cent/kWh và được cho trong bảng 3.

Bảng 3 Biểu giá điện sinh hoạt ở Việt Nam Theo QĐ 2256/QĐ-BCT ngày 12-3-2015.

 

Biểu giá điện 6 bậc khuyến khích việc tiết kiệm điện, ngoài ra đối với các hộ sản xuất việc quy định việc sử dụng điện trong giờ thấp điểm 1347 VNĐ/ kWh so với giờ cao điểm 3991 VNĐ/kWh giúp san phẳng biểu đồ phụ tải.

Việc duy trì biểu giá điện thấp gây cản trở cho việc tích lũy vốn đầu tư cho ngành điện, và thu hút các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các công trình xây dựng nguồn điện. Giá điện thấp cũng là một trong các nguyên nhân sử dụng điện năng lãng phí. Trong thời gian tới chắc chắn giá điện sẽ còn phải tiếp tục điều chỉnh tăng cho phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường. Người sử dụng điện cần quan tâm đến việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả bằng cách thay thế các thiết bị điện hiệu suất thấp bằng các thiết bị có dấu sao năng lượng, tắt điện khi không sử dụng…

PGS. Lê Văn Doanh, PGS. Phạm Văn Bình
Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội

Số 175 (9/2015)♦Tạp chí tự động hóa ngày nay