Thách thức xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam giai đoạn 2006-2010

21/Thg6/2006 09:02:35

* Gian nan hơn

Chương trình XĐGN quốc gia đầu tiên được Chính phủ triển khai từ năm 1998 bao gồm các dự án mục tiêu và một số chính sách về y tế, giáo dục và hỗ trợ xã hội cho người nghèo. Tiếp đến là chương trình 135 cũng được triển khai vào thời gian này, mục tiêu ban đầu là hỗ trợ 1715 xã đặc biệt khó khăn về xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở quy mô nhỏ: Điện, đường, trường, trạm. Hiện số xã diện 135 đã lên tới hơn 2000 xã, các chính sách hỗ trợ đã phát triển thêm như tín dụng, y tế, giáo dục, đất sản xuất, nhà ở, khuyến nông, khuyến lâm, định canh, định cư v.v… Kết quả là bộ mặt các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn có sự thay đổi rõ rệt, nhất là về hạ tầng cơ sở và phát triển sản xuất. Đời sống của đại đa số người dân được nâng cao, đặc biệt là nhóm hộ nghèo, đồng bào dân tộc miền núi, nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo theo các vùng địa lý giảm đáng kể. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, đến đầu năm 2003 Việt Nam đã đạt được mục tiêu của Thiên niên kỷ đề ra cho năm 2015, đó là giảm 50% số người nghèo so với những năm đầu của thập kỷ 90. Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù của Việt Nam xuất phát điểm kinh tế thấp, đối tượng nghèo đói lớn, địa hình địa lý phức tạp, nguồn lực cho XĐGN lại hạn hẹp nên ở giai đoạn 1 XĐGN mới nỗ lực giải quyết cơ bản nhu cầu về “ăn”, “xoá đói” và những năm gần đây mở rộng hơn đến các nhu cầu y tế, giáo dục và nhà ở cho người nghèo. Và cũng do diện đối tượng đói nghèo lớn, nguồn lực lại hạn hẹp nên khả năng “phủ sóng” của chương trình cũng mới chỉ tiếp cận đến “mặt tiền”, diện rộng của đói nghèo mà chưa đi vào “ chiều sâu”, chất lượng của XĐGN. Vẫn còn một bộ phận dân cư, đặc biệt ở nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải sống trong cảnh nghèo đói nhưng chương trình XĐGN chưa tiếp cận được. Theo các chuyên gia, trong giai đoạn tới, đối tượng, phạm vi nghèo đói sẽ phân tầng, phân nhóm một cách đa dạng hơn, các nguyên nhân đói nghèo cũng ngày càng đa chiều hơn.

Ưu tiên số 1 XĐGN giai đoạn 2006-2010 của Việt Nam được các chuyên gia khuyến cáo vẫn là đói nghèo ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Bởi vậy, giai đoạn tới công cuộcXĐGN sẽ gian nan hơn cả về nguồn lực, giải pháp cũng như việc thực hiện, đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn của Chính phủ, xã hội và của chính bản thân người nghèo.

Mặt khác, các nghiên cứu cũng dự báo, gia nhập WTO và mở rộng các mối quan hệ kinh tế, thương mại quốc tế sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đặt ra trong thời kỳ 2001-2010. Tuy nhiên, toàn cầu hoá và hội nhập cũng đặt ra những thách thức lớn đối với công tác XĐGN của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Trước hết đó là sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế dẫn đến những hình thức rủi ro mới, khó dự báo và có quy mô lớn (dịch SARS, cúm gà, sự bất ổn của giá cả…) Thứ 2, toàn cầu hoá sẽ tác động nhiều hơn đối với lao động có trình độ cao làm việc trong khu vực kinh tế chính thức, các đô thị lớn, trong khi đa số người nghèo lại có trình độ thấp sinh sống chủ yếu tại các vùng nông thôn hoặc làm việc trong các khu vực kinh tế phi chính thức. Do vậy việc đảm bảo cho người nghèo hưởng thụ được các kết quả của toàn cầu hoá là một trong những thách thức của các quốc gia.

* Đòi hỏi những giải pháp toàn diện hơn

Nhận thức XĐGN là phát triển con người toàn diện trong thập kỷ tới, dự thảo đề cương văn kiện XĐGN giai đoạn 2006-2010 do Ban Chủ nhiệm Chương trình XĐGN quốc gia đưa ra lấy ý kiến tham khảo mới đây đã đề xuất một số quan điểm, định hướng quan trọng cho XĐGN giai đoạn này. Trước hết ưu tiên nguồn lực cho địa bàn khó khăn nhất và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng cao, bảo đảm nguồn lực tập trung nhưng đủ độ. Quá trình thực hiện phải bám sát đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, song song với tăng trưởng kinh tế phải đẩy mạnh giảm nghèo, bảo đảm công bằng và ổn định xã hội trong quá trình phát triển giữa các vùng miền trong cả nước; xã hội hoá các hoạt động giảm nghèo; đa dạng hoá việc huy động nguồn lực cho giảm nghèo, phát huy tiềm năng thế mạnh trên từng địa bàn kết hợp nguồn lực của dân, cộng đồng, Nhà nước, doanh nghiệp, quốc tế nhằm đảm bảo nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo. Đặc biệt, phải gắn giảm nghèo với phát triển kinh tế, nâng cao năng lực của người nghèo, tạo môi trường, điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ sản xuất vươn lên thoát nghèo, phấn đấu lên khá giả, giàu có; Chú trọng quan tâm đến nhu cầu về giáo dục, y tế, nhà ở và nước sạch cho nhóm nghèo nhất.

Về phương pháp, sẽ đổi mới cách tiếp cận theo hướng tăng tính chủ động của các cấp địa phương thông qua việc tăng cường phân cấp và xác định rõ trách nhiệm các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách, dự án XĐGN. Giai đoạn này cũng là giai đoạn nhấn mạnh đến yếu tố bền vững của XĐGN vì vậy các định hướng lớn được phác thảo bao gồm: Tạo cơ hội về phát triển sản xuất để người nghèo tự lực vươn nghèo thông qua các chính sách trợ giúp về phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đất đai, tín dụng, tiếp thị, dạy nghề tạo việc làm, phổ biến các mô hình XĐGN hiệu quả. Cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội thông qua các chính sách trợ giúp về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh. Giảm rủi ro cho người nghèo thông qua việc nâng cao năng lực phòng chống rủi ro, hỗ trợ xây dựng “Quỹ hỗ trợ cộng đồng” ở các xã nghèo v.v… kèm theo các định hướng trên, dự thảo đề cương cũng thiết kế cụ thể các khung chính sách hỗ trợ và kèm theo đó là các nhóm dự án chính phục vụ các định hướng, mục tiêu của chương trình.

Theo báo Lao động Xã hội