Thị trường dịch vụ viễn thông sẽ còn tăng mạnh

08/Thg9/2006 10:15:01

Dự báo số thuê bao di động của Việt Nam sẽ tăng lên 20 triệu vào năm 2008.

Doanh nghiệp cạnh tranh, thị trường phát triển

Từ ngày 15/8/2006, tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) bắt đầu thực hiện tính cước theo phương thức 6 giây + 1 đối với dịch vụ điện thoại cố định liên tỉnh và giảm giá tới 30% cho các cuộc gọi thực hiện từ 23 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau cùng các ngày lễ và Chủ nhật.

Vùng cước phí liên tỉnh cũng giảm từ ba xuống còn hai tương ứng với 909 đồng và 1.636 đồng/phút, đồng thời Bộ Bưu chính Viễn thông đã bật đèn xanh cho VNPT được giảm tối đa 20% so với mức kể trên.

Động thái trên của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất nước, cùng với chương trình xây dựng quỹ công ích để phát triển mạng điện thoại cố định ở vùng sâu, vùng xa đang được Bộ Bưu chính Viễn thông tiến hành, hứa hẹn tạo ra bước phát triển mạnh mẽ cho thị trường Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. 

Việc mở cửa cho nhiều doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường dịch vụ viễn thông, phá bỏ dần thế độc quyền của VNPT, là động lực chính thúc đẩy dịch vụ này ở Việt Nam tăng trưởng. Liên tục sáu năm qua, thị trường viễn thông luôn tăng trưởng trên 30% mỗi năm, đặc biệt trong hai năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng đã vọt lên trên 50%/năm, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có ngành viễn thông tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Chỉ riêng tám tháng đầu năm nay, số thuê bao điện thoại mới đã gần gấp đôi tổng thuê bao của giai đoạn 1975-2000. Hai năm qua cũng là thời kỳ cạnh tranh quyết liệt nhất trong lịch sử phát triển ngành dịch vụ viễn thông Việt Nam với sự tham gia của bốn nhà cung cấp, qua đó tạo ra những thay đổi mang tính đột phá về chính sách giá cước và chi phí tiếp cận dịch vụ. 

Mặc dù đạt được tốc độ phát triển ấn tượng như vậy, nhưng mật độ điện thoại tính trên 100 dân của Việt Nam mới đạt 24,42, còn kém nhiều nước trong khu vực và thua xa các quốc gia châu Âu. Điều này cho thấy thị trường viễn thông Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Bộ Bưu chính Viễn thông dự báo đến năm 2010 mật độ điện thoại có thể đạt tới 42 máy/100 dân, trong đó gần hai phần ba là thuê bao di động.

Số liệu thống kê chính thức của bộ công bố cho thấy bảy tháng đầu năm nay mạng điện thoại của Việt Nam tăng thêm gần 4,6 triệu thuê bao, đưa tổng số thuê bao điện thoại lên 20,44 triệu, trong đó mạng điện thoại di động đóng góp nhiều nhất vào sự phát triển này với hơn 11 triệu thuê bao còn đang hoạt động, ngoài ra còn khoảng sáu triệu thuê bao khác của những khách hàng đã bị khóa hai chiều. Hai mạng MobiFone và Vinaphone của VNPT chiếm thị phần lớn nhất với trên tám triệu khách hàng, còn lại thuộc về Viettel Mobile, S-Fone và EVN Telecom. 

Theo RJB Consultants, công ty tư vấn chuyên ngành viễn thông, số thuê bao di động của Việt Nam sẽ tăng lên 20 triệu vào năm 2008 và vượt qua mức 25 triệu vào năm 2010. Trong năm năm tới, cơ cấu thị trường viễn thông di động ở Việt Nam hầu như vẫn không thay đổi, trong đó Hà Nội và Tp.HCM vẫn lớn nhất, chiếm đến một nửa tổng thuê bao của cả nước.

Cả RJB Consultants và Công ty Nghiên cứu thị trường GFK Asia đều dự báo tốc độ phát triển thuê bao điện thoại di động ở Việt Nam sau năm 2008 sẽ giảm và ổn định ở mức trên 10% trong một thời gian.

Tuy nhiên, với chương trình phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông ở nông thôn, hiện đang được Bộ Bưu chính Viễn thông thực hiện thông qua các quỹ đầu tư công ích, có nhiều khả năng Việt Nam lại gây ngạc nhiên cho các nhà nghiên cứu thị trường như những gì đang diễn ra trong hơn hai năm vừa qua.

“Cháy số”!

Trong thực tế, chiều hướng phát triển bùng phát ở khu vực nông thôn đang bắt đầu diễn ra ở mảng dịch vụ điện thoại cố định, chính vì vậy VNPT đã quyết định thay đổi số thuê bao điện thoại tại Đồng Nai, Hải Phòng, Nghệ An từ sáu chữ số lên bảy chữ số kể từ ngày 1/10 tới.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, VNPT liên tiếp nhận được thông báo từ các bưu điện địa phương về tình trạng “cháy số”, việc đầu tư phát triển mạng không theo kịp so với nhu cầu đăng ký lắp đặt. Chẳng hạn như tỉnh Hà Tây hiện còn tới 27.000 gia đình và cơ quan có nhu cầu lắp đặt điện thoại, nhưng bưu điện tỉnh chưa thể đáp ứng vì thiếu cáp và tổng đài. Bưu điện Hải Phòng còn tồn đọng hơn 10.000 yêu cầu chưa thể giải quyết. Tình trạng tại các tỉnh Thái Nguyên, Hưng Yên và nhiều tỉnh ở khu vực miền Trung cũng tương tự.

Trước tình hình đó, VNPT đã phải gấp rút đầu tư thêm 26 triệu đô la Mỹ để mở rộng dung lượng tổng đài cho tám tỉnh miền Trung lên thêm 300.000 số, nhưng phải chờ đến đầu năm 2007 việc đầu tư mới hoàn tất. 

Ngoài dịch vụ điện thoại, thị trường Internet cũng phát triển rất nhanh, bình quân năm sau cao gần gấp đôi so với năm trước kể từ khi dịch vụ này thâm nhập vào Việt Nam từ cuối năm 1997. 

Hiện có chín doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet đang hoạt động, trong đó VNPT chiếm 42,63% thị phần, FPT 23,86% và Viettel 18,02%. Đến cuối tháng 7/2006, Việt Nam có trên 3,688 triệu thuê bao Internet, tăng gần 800.000 thuê bao so với cuối năm ngoái. Số người sử dụng dịch vụ này khoảng 13,4 triệu, tương đương 16% dân số và ngang với tỷ lệ sử dụng Internet bình quân của thế giới.

Bộ Bưu chính Viễn thông dự báo số người sử dụng Internet của Việt Nam vào năm 2010 có thể đạt 35% dân số. Hiện nay, nhu cầu thuê bao Internet băng thông rộng đang có xu hướng tăng mạnh, đặt các nhà cung cấp dịch vụ vào tình trạng cung không đáp ứng đủ nhu cầu.

Lẽ đương nhiên, việc cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dẫn đến chi phí kết nối, cước phí giảm mạnh là động lực chính của sự gia tăng này, nhưng sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trò chơi trực tuyến (game online) và các dịch vụ giải trí trên mạng khác cũng góp phần không nhỏ làm tăng nhu cầu thuê bao Internet băng rộng.