Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam - Sáu năm thành lập và phát triển 1996 - 2001

25/Thg7/2006 16:26:22

Sản xuất ngày càng tăng trưởng
Về Bia các loại năm 1995 sản lượng đạt 187 triệu lít, năm 2000 đạt 266 triệu lít, tăng 142%, năm 2001 ước thực hiện 299,154 triệu lít. Thị phần bia chiếm 41,6% thị phần cả nước. Bình quân mỗi năm sản lượng bia các loại tăng 6% .
Về Rượu các loại năm 1995 đạt 2 triệu lít, năm 2000 đạt 4,2 triệu lít, tăng 210%, năm 2000 sản lượng cồn tinh luyện đạt 3,4 triệu lít, năm 2001 ước đạt 3,437 triệu lít; Bình quân mỗi năm sản lượng rượu các loại tăng 22% .
Về Nước giải khát năm 2000 đạt 34,7 triệu lít, năm 2001 ước đạt 38,459 triệu lít; bao bì các loại năm 2000 đạt 5.722 tấn, năm 2001 ước đạt 5.500 tấn.

Bảo toàn và phát triển vốn
Với trách nhiệm về bảo toàn và phát triển vốn được Nhà nước giao, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc và lãnh đạo các đơn vị thành viên luôn quan tâm đến việc sử dụng vốn có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển của Tổng công ty, sau 6 năm hoạt động sản xuất kinh doanh, số vốn Nhà nước giao không những được bảo toàn mà còn phát triển vượt bậc, năm 1995, Tổng công ty 

được Nhà nước giao 963 tỷ đồng, cho đến thời điểm ngày 01/01/2001, số vốn Nhà nước giao đã tăng lên thành 2363,5 tỷ đồng, tăng 145,43%, đặc biệt các công ty có số vốn tăng nhanh là : Công ty Bia Sài Gòn tăng 103,6%, Công ty Bia Hà Nội tăng 102,4%; Nước giải khát Chương Dương tăng 101,1%, Công ty Rượu Hà Nội tăng 15% 
Các chỉ tiêu tài chính của Tổng công ty tăng đều hàng năm, giá trị tổng sản lượng năm 1995 là 1.811 tỷ đồng; năm 2000 đạt 2.386 tỷ đồng bằng 105,36% kế hoạch và tăng 5,82%so với năm 1999; Tăng trung bình trong 5 năm là hơn 5%/năm, năm 2001 ước đạt 2.703,890 tỷ đồng .
Lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước từ 10-15,2%; Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt từ 23-25%.
Tổng doanh thu năm 1995 là 1.290 tỷ đồng; năm 2000 đạt 2.981 tỷ đồng đạt 108,3% kế hoạch; tăng trung bình hàng năm là 7%/năm, năm 2001 ước đạt 3.304,394 tỷ đồng .
Nộp ngân sách năm 1995 là 992,6 tỷ đồng, năm 2000 nộp 1.427 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm là 6%, năm 2001 ước đạt 1.537,930 tỷ đồng.
Đặc biệt là Tổng công ty luôn quan tâm giúp đỡ các đơn vị có nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, khó khăn về tài chính như Công ty Thuỷ tinh Phú Thọ, Công ty Thuỷ tinh Hải Phòng nhằm giúp cho các đơn vị này chuyển đổi và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm vốn vay ngân hàng, có điều kiện để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời căn cứ vào nhu cầu của thị trường để bố trí lại cơ cấu, chủng loại sản phẩm.

Đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ
Trong 5 năm (1995-2000), Tổng công ty đã đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị với số vốn là 410 tỷ đồng, riêng năm 2001 ước thực hiện được 303,076 tỷ đồng .
Công ty Bia Sài Gòn thực hiện dự án đầu tư nâng công suất từ 140 triệu lít/năm lên công suất 160 triệu lít/năm và đang tiếp tục đầu tư bổ sung thiết bị đồng bộ để đạt công suất 210 triệu lít/năm. Trong 5 năm qua, Công ty Bia Sài Gòn đã thực hiện một số dự án : hệ thống thu hồi CO2,dây chuyền chiết chai số 3; đầu tư 02 máy soi chai tự động; hệ thống xử lý khói lò hơi; bổ xung hệ thống chiết keg với công suất 80 keg/giờ hệ thống xử lý nước thô với công suất 200 m3/giờ hệ thống pha bia tự động; máy thử bia nhanh; bổ sung và hoàn thiện dây chuyền sản xuất nút khoén với công suất 200.000 nút/giờ hệ thống máy lạnh; hệ thống nồi nấu công suất 600 hl/mẻ hệ thống nhập xuất nguyên liệu công suất 20 tấn/giờ đã hoàn thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả nhà máy bia liên doanh với tỉnh Phú Yên 10 triệu lít/năm, đầu tư mới nhà máy bia Cần Thơ 10 triệu lít/năm.
Công ty Bia Hà Nội đang thực hiện dự án đầu tư đổi mới thiết bị, nâng công suất từ 50 triệu lít/năm lên 100 triệu lít/năm; trong đó có một số hạng mục đã hoàn thành như : thiết bị lò hơi, máy phát điện, hệ thống xử lý nước, cải tạo nâng cấp nhà chiết chai, hệ thống chiết keg với công suất 80 keg/giờ hệ thống dây chuyền chiết chai 30.000 chai/giờ, và đang tiếp tục tiếp nhận và lắp đặt hệ thống thiết bị nhà nấu, hệ thống tank lên men .
Công ty Rượu Bình Tây đang thực hiện đầu tư dây chuyền sản xuất cồn từ tinh bột công suất 3 triệu lít/năm có khả năng mở rộng công suất lên 4,5 triệu lít/năm .
Công ty Nước giải khát Chương Dương đang đầu tư đổi mới thiết bị với số vốn trên 50 tỷ đồng như dây chuyền chiết lon; cải tạo mở rộng nhà điều hành sản xuất; mở rộng hệ thống sản xuất nước trái cây; đầu tư chiều sâu sản xuất nước giải khát có CO2 bao gồm hệ thống sản xuất CO2 công suất 285 kg/giờ và hệ thống chiết chai 24.000 chai/giờ.
Toàn bộ các công trình đầu tư chiều sâu, đầu tư mới, đầu tư bổ sung đều có trình độ trang thiết bị và công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến nhất đang được áp dụng ở các nước có nền công nghiệp phát triển, vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam vừa khẳng định vai trò nòng cốt hạt nhân của Tổng công ty trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành rượu - bia - nước giải khát Việt Nam .

Bố trí sắp xếp, tổ chức lại sản xuất
Ngay sau khi thành lập, Tổng công ty đã tiến hành sắp xếp lại cho phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, sự phối hợp sản xuất và phân công sản xuất được thực hiện nhịp nhàng, tạo điều kiện cho những đơn vị thành viên đang gặp khó khăn có cơ hội phát triển, các công ty lớn tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị nhỏ bằng cách liên kết sản xuất tại Công ty Bia Sóc Trăng, Công ty bia, rượu Đồng Xuân, Công ty bia Nghệ An, Công ty bia Hương Sen? Tổng công ty chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu, chủng loại sản phẩm, hỗ trợ vốn để nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ .

ứng dụng và nghiên cứu khoa học công nghệ
Nhận thấy rõ vai trò quan trọng của nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam đã nhanh chóng đề nghị Bộ Công nghiệp cho phép chuyển đổi trung tâm nghiên cứu rượu - bia - nước giải khát thành Viện nghiên cứu Rượu- Bia - Nước giải khát và đã có những đầu tư lớn cho Viện như xây dựng một xưởng thực nghiệm với các thiết bị hiện đại, đồng bộ và các trang thiết bị phục vụ cho phòng nghiên cứu khoa học, đảm bảo đủ khả năng nghiên cứu và thực nghiệm các đề tài khoa học phục vụ cho sản xuất của ngành, đồng thời luôn quan tâm đến công tác môi trường, xây dựng quản lý theo hệ thống chất lượng ISO 9002 ở các công ty như Bia Sài Gòn, liên doanh Bia Sài Gòn, Thuỷ tinh Malaya?

Chiến lược thị trường và tiêu thụ sản phẩm
Sau khi thành lập, Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam đã xây dựng chiến lược thị trường trên cơ sở kế hoạch sản xuất kinh doanh chung của cả Tổng công ty, củng cố công ty Thương mại Dịch vụ rượu - bia - nước giải khát, sản phẩm của các đơn vị trong Tổng công ty được tạo điều kiện để cùng phát triển.
Bên cạnh việc mở rộng và phát triển thị trường trong nước, Tổng công ty quan tâm đến việc tìm kiếm và xây dựng thị trường xuất khẩu, một số sản phẩm của Tổng công ty đã xuất khẩu sang nước ngoài, và đã chiếm được cảm tình của khách quốc tế, doanh thu xuất khẩu của Tổng công ty năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước, và Tổng công ty đã có chuẩn bị cho quá trình hội nhập với thị trường ASEAN theo AFTA và CEPT .

Kết luận
Trong thời gian tới, Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược đầu tư phát triển, chiếm lĩnh thị trường, bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao, sử dụng và quản lý tốt các nguồn vốn và lao động sẵn có để phục vụ cho sản xuất kinh doanh, củng cố tổ chức bộ máy và tổ chức sắp xếp lao động, làm cơ sở vững chắc cho việc chuẩn bị hội nhập khu vực và quốc tế, tiếp tục ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, xứng đáng với vai trò nòng cốt hạt nhân trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá của ngành rượu - bia - nước giải khát Việt Nam ./.