WTO VỚI NÔNG DÂN VIỆT NAM: SÓNG CẢ, THUYỀN CON

20/Thg6/2006 01:31:00

Nuôi dê ở Hòa Long, TX. Bà Rịa.

CUỘC CHIẾN" KHÔNG CÂN SỨC

Khi Việt Nam (VN) gia nhập WTO thị trường sẽ mở rộng cho những mặt hàng xuất khẩu truyền thống như nông nghiệp và thuỷ sản, đồng thời VN có cơ hội tiếp cận cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO giúp tránh được những xử kiện vô lý như cá ba sa giữa Việt Nam và Mỹ. Khi là thành viên của WTO, VN sẽ tiếp tục thu hút được đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng có tiếng nói cùng với 149 nước khác khi WTO thảo luận các quy chế mới của WTO. Tuy nhiên, thách thức đối với nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt là đối với việc xoá đói giảm nghèo là rất lớn. VN là một nước có 69% lực lượng lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 45% dân số ở nông thôn sống dưới mức nghèo. Những thách thức lớn là mức độ cạnh tranh thấp, phải đương đầu với trợ cấp xuất khẩu của các nước giàu, năng lực của VN thực thi các điều khoản cam kết, việc cắt giảm thuế quan và các trợ cấp nông nghiệp, việc VN không được tiếp cận đối với cơ chế tự vệ đặc biệt cho các sản phẩm chăn nuôi... là việc không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần thời gian và sự hỗ trợ của các bên để giảm thiểu những rủi ro này.

Cụ thể, với những nông dân đang trồng bắp, mía, cà phê, tiêu... thách thức nhiều hơn cơ hội. Họ phải đối mặt với sự cạnh tranh về giá vì giá bắp nhập về sẽ rẻ hơn do phải cắt giảm thuế quan chẳng hạn hiện áp thuế với bắp nhập từ Mỹ là 10% sẽ không còn. Về chất lượng, sản phẩm được nhập về chắc chắn sẽ tốt hơn sản phẩm trong nước vì các sản phẩm này được sản xuất ở quy mô lớn và dựa trên nền công nghiệp, khoa học kỹ thuật hiện đại. Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu nông sản VN thì giá trị gia tăng còn rất thấp, và phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nhân công lao động rẻ. Điều này sẽ không bền vững về lâu dài.

Thách thức lớn nhất đối với ngành chăn nuôi VN, theo đánh giá của tổ chức Oxfam Anh, đó là mức độ cạnh tranh trong ngành chăn nuôi hiện tại rất là thấp. Cụ thể như năng suất sản xuất thấp hơn 30% so với mức sản xuất của thị trường quốc tế, chất lượng sản phẩm, giá cả sản phẩm chăn nuôi thị trường nội địa đều có mức cạnh tranh thấp hơn so với cạnh tranh quốc tế. Thách thức thứ hai là, VN sẽ phải đối mặt là trợ cấp của các nước giàu, ví dụ một con bò của EU được hưởng trợ cấp một ngày là 2,62 USD, nhiều hơn thu nhập của người nông dân nghèo VN. Như vậy, các sản phẩm chăn nuôi phải cạnh tranh với các nước giàu. Đây là một ví dụ để thấy trình độ phát triển chênh lệch quá lớn. Ngoài ra, đối với những nước không còn dùng trợ cấp chăn nuôi như Australia, hoặc New Zealand thì ngành chăn nuôi VN sẽ phải đương đầu với hệ thống sản xuất rất tân tiến và hiệu quả của họ vì những nước này đã đạt đến trình độ phát triển cao. Một thách thức khác là VN sẽ không được tiếp cận với cơ chế tự vệ đặc biệt để chống lại những đột biến về nhập khẩu cho những mặt hàng chăn nuôi (thịt heo, thịt bò). Như vậy trong trường hợp khi VN mở cửa thị trường một cách mạnh mẽ thì việc tăng các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu có tiềm năng sẽ tác động đến giá của các mặt hàng trong nước. Trong khi đó, trình độ sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi của VN còn quá thấp, đặc biệt là của nhóm người nghèo thì họ phải cạnh tranh trên một sân chơi không bình đẳng. Thách thức nữa là cam kết hội nhập yêu cầu Chính phủ VN sẽ phải cắt giảm trợ cấp nông nghiệp trong đó có trợ cấp của ngành chăn nuôi, cắt giảm thuế quan và như vậy có tác động đối với người chăn nuôi, đặc biệt là người chăn nuôi nghèo.

Như vậy, khi gia nhập WTO, hàng hoá nông sản giá rẻ từ các nước có thể sẽ ồ ạt đổ vào VN và có thể gây khó khăn cho người sản xuất.

CHÍNH PHỦ CẦN CÓ QUYẾT SÁCH

Theo các chuyên gia kinh tế, từ kinh nghiệm của Trung Quốc, Thái Lan, VN cần thực hiện chiến lược sản xuất theo phương thức "ly nông bất ly hương", xây dựng các "khu công nghiệp làng" gồm các xí nghiệp nhỏ và vừa, mô hình sản xuất hộ gia đình, các làng nghề truyền thống... 

Việt Nam đã cam kết cắt giảm trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp ngay sau khi gia nhập WTO. Việt Nam sẽ có 5 năm quá độ cho việc cắt giảm trợ cấp xuất khẩu dưới dạng khuyến khích đầu tư. VN đã cam kết thực hiện những điều khoản vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) ngay sau khi hội nhập, đồng thời VN sẽ cắt giảm mức thuế quan đối với các mặt hàng nông nghiệp. Hiện tại mức thuế quan bình quân trong nông nghiệp của VN là 27%, rất nhiều khả năng mức thuế này sẽ bị cắt giảm xuống khoảng 15%. Một cam kết nữa là VN sẽ không được tiếp cận với cơ chế tự vệ đặc biệt nhằm giảm thiểu tác động của đột biến nhập khẩu đối với giá cả các mặt hàng chăn nuôi như thịt heo, thịt bò... điều này sẽ gây thiệt thòi cho người nông dân.

nhằm rút lao động khỏi nông nghiệp, đồng thời đầu tư cả vốn và kỹ thuật cho nông nghiệp nhằm tăng sức cạnh tranh cho họ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có chính sách để đẩy nhanh cổ phần hóa một loạt các doanh nghiệp kém hiệu quả. Đối với những vùng nông thôn ở xa, tập trung vào việc sản xuất hàng hóa, nâng cao tính cạnh tranh bằng cách quy hoạch lại quy mô các vùng sản xuất. Điều này đồng nghĩa với việc VN nên chuyển hẳn sang sản xuất hàng hóa thay vì sản xuất nhỏ lẻ.

Muốn làm được việc đó, vấn đề quan trọng là cần thông tin đầy đủ cho người dân về những thách thức và cơ hội khi VN gia nhập WTO để những người có năng lực và kiến thức sẽ chuyển đổi sang cây trồng có lợi thế xuất khẩu mà ít được các nước bảo hộ hiện nay như cà phê, điều, ca cao, hồ tiêu... Tuy nhiên, điều này là khó vì không phải ai sống ở nông thôn cũng đủ trình độ. Mặt khác chuyển đổi cây trồng không thể làm trong sớm chiều. Vì thế, những đối tượng này không thể nằm ngoài áp lực tổn hại cạnh tranh trong thời gian ngắn. Với những người không có khả năng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, các chuyên gia cũng cho rằng vẫn phải phát huy vai trò của Nhà nước, và kèm theo đó là vai trò của hiệp hội. Sự hỗ trợ của Nhà nước một cách gián tiếp hoặc trực tiếp đều giúp nông dân ít bị thiệt hại nhất.

Dương Công Chiến

ÔNG NGUYỄN NHƯ THẮNG, PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM HỖ TRỢ CHUYỂN GIAO KỸ THUẬT CHO NÔNG DÂN & MIẾN NÚI, HỘI KHOA HỌC KINH TẾ VIỆT NAM: VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC QUYẾT ĐỊNH CƠ HỘI CỦA NÔNG DÂN
Về nguyên tắc, WTO cấm các hình thức trợ cấp, trợ giá xuất khẩu khi gia nhập WTO. Vì vậy, những hình thức trợ cấp, trợ giá như hiện nay ở nước ta sẽ phải bỏ. Tuy nhiên, WTO không cấm tất cả các hình thức hỗ trợ của Chính phủ. Nhà nước hay Chính phủ vẫn có thể tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ nghiên cứu triển khai, khuyến nông, chuyển giao công nghệ, đào tạo giáo dục phát triển nguồn nhân lực. WTO cũng cho phép nhiều hình thức hỗ trợ vùng nghèo và một số khâu trong sản xuất nông nghiệp. Nhà nước và hiệp hội cần giúp cho nông dân tiếp cận các thông tin về thị trường bên cạnh việc định hướng thị trường sản xuất gì và làm ở mức độ như thế nào. Điều này sẽ tạo nhiều cơ hội cho nông dân trong việc cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại.

BÀ LÊ KIM DUNG, CHUYÊN GIA WTO TỔ CHỨC OXFAM (ANH) TẠI VIỆT NAM: NÊN TẬP TRUNG VÀO PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CÂY, CON CÓ LỢI THẾ
Việt Nam gia nhập WTO, ngoài chuyện hàng hoá nông nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt, Việt Nam vẫn có những lợi ích mở rộng thị trường cho những mặt hàng xuất khẩu truyền thống. Đồng thời, Việt Nam có cơ hội tiếp cận cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Tiềm năng nông nghiệp của Việt Nam rất lớn. Ngoài sản xuất khẩu gạo, Việt Nam còn rất nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh như cà phê, điều, hồ tiêu... các sản phẩm thuỷ sản như cá tra, ba sa... Đây là những sản phẩm mà các nước lớn hầu như có ít lợi thế nên theo tôi, VN nên tập trung theo hướng này. Tuy nhiên cần minh bạch hình thức trợ giúp cho nông dân tránh thiệt hại do bị kiện bán phá giá.

TS. VÕ TRÍ THÀNH, TRƯỞNG BAN NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ - VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG: WTO SẼ MỞ RỘNG NHIỀU CƠ HỘI CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
Hội nhập và gia nhập WTO sẽ mở rộng nhiều cơ hội cho người dân, doanh nghiệp. Vấn đề cơ bản đối với người nghèo là thiếu khả năng đón bắt và tận dụng các cơ hội đó. Bên cạnh nỗ lực bản thân của họ thì Nhà nước có vai trò rất quan trọng. Một là tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, qua đó các doanh nghiệp, nhất là trong khu vực tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo công ăn việc làm cho người nghèo. Hai là có những chính sách và biện pháp hỗ trợ thích hợp, bảo hiểm, cung cấp các dịch vụ thiết yếu để giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương của các nhóm người nghèo. Ba là đầu tư vào đào tạo giáo dục để nâng cao năng lực cho người nghèo.

http://www.baobariavungtau.com.vn/viet/chinhtrixahoi/17553/